Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các nhà sản xuất trong lĩnh vực đồ bảo hộ cá nhân (PPE) nhìn nhận, dư địa của thị trường này hiện còn khá lớn.
Nhà sản xuất đồ bảo hộ cá nhân tăng cường năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty CP Y tế Danameco. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Thị trường bảo hộ cá nhân trước đây chủ yếu là đồ bảo hộ lao động phục vụ công nhân các ngành công nghiệp nặng (dầu khí, điện lực, cơ khí...), còn trong lĩnh vực tiêu dùng phần lớn là găng tay để phục vụ chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi từ khi bùng phát Covid-19 vào đầu năm 2020, nhu cầu thiết bị bảo hộ y tế tăng cao. Thử gõ cụm từ “đồ bảo hộ chống dịch” trên một sàn thương mại điện tử, có hàng trăm kết quả đồng loạt hiện ra với các set đồ chống dịch (khẩu trang, găng tay y tế, kính, giày bảo hộ, mặt nạ phòng độc, bộ đồ bảo hộ, áo khoác và bộ đồ bảo hộ toàn thân) và có cả bán riêng lẻ từng món với mức giá khác nhau, dao động từ 40.000 - 200.000 đồng/set, các món riêng lẻ được bán từ 16.000 - 100.000 đồng/món.
Ông Vũ Văn Quân (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, vì tính chất công việc thường xuyên di chuyển, ông đặc biệt quan tâm đến dòng hàng đồ bảo hộ cá nhân. Ông thường chọn mua mặt hàng này tại các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế uy tín, chứ không đặt mua trực tuyến bởi lo ngại mua phải các sản phẩm bảo hộ kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, không chỉ không có khả năng chống dịch như lời quảng cáo mà còn tồn tại nhiều nguy cơ gây kích ứng, tổn hại đến làn da.
“Để phòng dịch khi đi đến các nơi công cộng, ra sân bay, tôi đã tìm hiểu và mua một vài set đồ bảo hộ chống dịch 5 món gồm 1 bộ quần áo liền mũ, bao chân, găng tay, kính bảo hộ, khẩu trang y tế. Tôi nghĩ, không chỉ tôi mà nhiều người dân đang quan tâm đến mặt hàng này để phòng, chống Covid-19”, ông Quân nói.
Đồ bảo hộ cá nhân dùng trong công tác phòng, chống Covid-19 đều là loại sử dụng 1 lần, hầu như không tái sử dụng được nên nhu cầu là rất lớn, lại trong điều kiện hết sức khan hiếm do cả thế giới đều đang phải đối đầu với dịch bệnh này. Trong khi đó, nguồn cung trong nước bị thiếu hụt nguyên vật liệu, nguồn nhập khẩu bị đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh khiến lúc cao điểm, giá các sản phẩm bảo hộ cá nhân cao gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần bình thường. Chẳng hạn như khẩu trang y tế - một mã bảo hộ cơ bản có lúc đã tăng lên gấp nhiều lần, đến mức các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều phối về giá.
Tổng Công ty CP y tế Danameco là doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị bảo hộ y tế. Ông Võ Anh Đức, Giám đốc dự án của Danameco cho biết, về năng lực sản xuất bảo hộ cá nhân, trong 6 tháng đầu năm 2021, Danameco sản xuất xấp xỉ 2,1 triệu bộ trang phục; bình quân 350.000 bộ/tháng. Các mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước, cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện, các đơn vị y tế trực thuộc bộ, Sở Y tế tại các tỉnh, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, khu vực cách ly tập trung, khu nhập cảnh, nơi dịch bệnh bùng phát... Danameco đã xuất khẩu bảo hộ cá nhân sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ (đối với sản phẩm áo, mũ, giày).
“Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong nước và trên toàn thế giới, nhu cầu sử dụng trang phục bảo hộ chống lại các tác nhân lây nhiễm là cấp thiết, do đó chúng tôi nhận thấy dư địa của thị trường bảo hộ cá nhân là khá lớn. Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục tập trung các sản phẩm cốt lõi chuyên về vật tư y tế cao cấp đạt chuẩn theo chứng nhận quốc tế. Đồng thời, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, tiếp tục nâng cao tay nghề đội ngũ công nhân tại nhà máy ngày càng chuyên nghiệp nhằm bảo đảm công suất sản lượng tối đa, đáp ứng kịp thời nhu cầu vật tư của khách hàng trong và ngoài nước”, ông Đức nói.
Tham gia vào chuỗi cung ứng đồ bảo hộ cá nhân, Công ty CP Thương mại và dịch vụ Artcare Medical cũng cung ứng đầy đủ các mã hàng hóa chất, vật tư, thiết bị chống dịch từ khẩu trang y tế, găng tay y tế, khẩu trang cao cấp N95, độ bảo hộ 7 món, bảo hộ cấp 3,4 dùng cho các bác sĩ tuyến đầu chống dịch...
Bà Đỗ Hiền, Giám đốc công ty đánh giá: “Thị trường đồ bảo hộ cá nhân đang có rất nhiều tiềm năng. SARS-CoV2 cũng như các chủng virus khác đang ngày càng nguy hiểm, mức độ kiểm soát khó khăn hơn và gần như sẽ phải đến lúc “chung sống với virus”, đồng nghĩa, bảo hộ cá nhân là món trang bị thiết yếu của mỗi người. Hơn nữa, ý thức của người dân về bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ đã được nâng cao, không cần phải “thúc ép” hay tuyên truyền như tuyên truyền đội mũ bảo hiểm nữa. Mang khẩu trang sẽ là thói quen khi mọi người ra khỏi nhà. Ngoài thị trường trong nước, xuất khẩu sang các nước lân cận hoặc các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật, châu Âu cũng rất tiềm năng”.
QUỲNH TRANG