Chợ đầu mối, cảng cá Thọ Quang, lò mổ Đà Sơn, hàng loạt chợ truyền thống phải đóng cửa, chuỗi cung ứng hàng hóa thu hẹp, người dân khó mua hàng hóa thiết yếu... là thực trạng diễn ra trong những ngày Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách “ai ở đâu thì ở đó”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với sự vào cuộc của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, tình hình cung ứng hàng hóa đã dần ổn định.
Hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... hiện khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người dân. (Ảnh chụp tại Vinmart đường Phan Châu Trinh, ngày 6-9). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Phục hồi chuỗi cung ứng
Ghi nhận của phóng viên tại các chợ truyền thống và các điểm bán lương thực, thực phẩm tại các khu dân cư trong ngày 7-9, các mặt hàng thiết yếu, gồm: thịt, cá tươi sống, rau củ quả, hàng gia vị đồ khô, bún, mì tươi... được bày bán khá đầy đủ. Giá cả ổn định như: cá ngừ giá 100.000 đồng/kg, cá giò giá 90.000 đồng/kg, tôm các loại giá 150.000 - 190.000 đồng/kg, thịt heo các loại giá từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, rau xanh (rau lang, mồng tơi, rau muống...) giá 10.000 đồng/bó, dưa leo giá 18.000 đồng/kg, cà chua giá 20.000 đồng/kg...
Tiểu thương Nguyễn Tấn Hạ (kinh doanh ngành hàng rau củ quả tại chợ Hàn) cho biết, hiện mỗi ngày quầy hàng cung ứng khoảng 4 tấn rau củ quả các loại (gồm rau củ và trái cây) với giá cả bình ổn. Tiểu thương Trần Thị Lan (ngành hàng cá tại chợ Hàn) cho biết, hàng hóa hiện đã có nguồn cung ổn định và có thể tăng lượng hàng nếu nhu cầu tăng với giá cả bình ổn.
Chợ đầu mối Hòa Cường dù chưa hoạt động trở lại, tuy nhiên, nguồn cung rau củ quả của thành phố vẫn đủ đáp ứng. Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Trừ cho biết, sở đã tổ chức cho một số hộ tiểu thương của chợ đầu mối Hòa Cường nhập hàng và cung ứng rau củ quả, trái cây cho các cơ sở kinh doanh, hộ tiểu thương trên địa bàn (tổ chức dưới hình thức trung chuyển, không mua bán trực tiếp) với lượng hàng nhập về hằng ngày khoảng 30 tấn rau củ quả, trái cây để phục vụ nhu cầu người dân.
Giám đốc siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng Nguyễn Minh Thương thông tin, trong tuần đầu tiên thành phố thực hiện biện pháp giãn cách mạnh “ai ở đâu thì ở đó”, lượng hàng hóa tại siêu thị có lúc hụt, đặc biệt là mặt hàng đồ khô và thực phẩm tươi sống. Nguyên nhân thiếu hụt là do nhu cầu người dân tăng đột biến, trong khi đó, vấn đề lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mặc dù nguồn cung tại chỗ chưa phục hồi hoàn toàn nhưng siêu thị đã kết nối với nhiều nhà cung ứng ở các tỉnh, thành lân cận. Hiện hàng hóa tại siêu thị rất dồi dào, đầy đủ các mặt hàng.
Từ ngày 5-9, người dân tại các vùng xanh, vùng vàng được đi mua hàng tại tiệm tạp hóa trong tổ dân phố, thôn. Nhiều cửa hàng tạp hóa ghi nhận đông người dân đến mua hàng. Tại tiệm tạp hóa Thạch Thủy (đường Núi Thành, quận Hải Châu), người dân xếp hàng giãn cách để vào mua hàng. Bà Thủy, chủ cửa hàng cho biết, trước giai đoạn giãn cách, cửa hàng đã kịp nhập về số lượng lớn sữa, dầu ăn, mắm, muối, đậu các loại, bánh ngọt... nên khi được mở bán trở lại, nguồn hàng tại cửa hàng tương đối bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của người dân. “Tôi cũng đã liên hệ với một số đại lý để nhập thêm hàng, chỉ trong vài ngày tới, hàng hóa sẽ về đến cửa hàng. Hiện tại, đại lý báo giá các mặt hàng vẫn như cũ, chưa ghi nhận mặt hàng nào biến động”, bà Thủy nói.
Liên tục mở rộng các điểm bán
Mô hình mở các điểm bán ngay tại khu dân cư là một trong những giải pháp mà thành phố đã thực hiện rất tốt nhằm đa dạng hóa kênh phân phối, đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Những ngày “ai ở đâu thì ở đó” từ 28-8 đến ngày 5-9, Công an thành phố đã mở 30 điểm cung ứng hàng hóa phi lợi nhuận cho người dân. Kết thúc “chiến dịch”, lực lượng Công an đã cung ứng cho người dân 120 tấn gạo, 130 tấn thịt, 50 tấn cá, 67 tấn rau củ quả, 3.000 thùng mì ăn liền, 9.000 quả trứng và 25.000 chai dầu ăn.
Từ ngày 6 đến 12-9, Sở Công thương tiếp tục tiếp quản, điều hành các điểm bán hàng thiết yếu do Công an thành phố bàn giao. Sở Công thương huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các địa phương trong việc bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa điểm bán hàng cùng sự hỗ trợ của Công an thành phố trong việc vận hành, duy trì các điểm bán hàng; bảo đảm kịp thời vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến tay người dân trong thời gian nhanh nhất với mức giá bình ổn.
Thời điểm hiện tại, một số chợ hạng 2, hạng 3 thuộc “vùng xanh” bắt đầu mở bán trở lại. Trong sáng 7-9, chợ Hòa Khương (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) hoạt động lại từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối. Lý giải nguyên nhân họp chợ từ sáng đến tối, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp cho biết, chợ hoạt động lại trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt, mỗi đợt vào chợ không quá 20 người. Người dân giữ khoảng cách tối thiểu 2m, xếp hàng theo thứ tự, sát khuẩn, quét mã QR trước khi vào mua hàng.
“Người dân sau khi vào chợ sẽ mua các hàng hóa thiết yếu theo nhu cầu. Các gian hàng của tiểu thương được bố trí cách xa nhau. Giữa tiểu thương và người mua hàng có màng nilon ngăn cách. Người dân sau khi mua hàng sẽ đi một đường thẳng theo hướng dẫn ra lối ra, không vòng trở lại lối vào. Như vậy, thời gian đi chợ của người dân sẽ kéo dài, chợ buộc phải kéo dài thời gian hoạt động để bảo đảm người dân nào cũng mua được hàng hóa”, ông Hiệp thông tin thêm.
Ông Trần Kim Đính, Trưởng ban quản lý chợ huyện Hòa Vang cho biết trong ngày 8-9, 150 tiểu thương kinh doanh mặt hàng thiết yếu của 2 chợ buôn bán trở lại. “Chợ truyền thống là kênh phân phối quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, việc 2 chợ lớn nhất huyện Hòa Vang được hoạt động trở lại khiến người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, chúng tôi mở lại chợ trong điều kiện rất thận trọng, tuyên truyền cho người dân về tình hình dịch bệnh để tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống dịch”, ông Đính cho biết.
QUỲNH TRANG