Phương án cải tạo cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân

.

Phương án tổ chức giao thông cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân để giảm ùn tắc là vấn đề mà các ngành chức năng cần quan tâm hiện nay nhằm cải thiện điều kiện lưu thông qua khu vực này.

Nút giao thông Cách mạng Tháng Tám - Lê Thanh Nghị - tuyến đường dẫn lên cầu Hòa Xuân có lưu lượng giao thông khá lớn trong giờ cao điểm. Ảnh: THÀNH LÂN
Nút giao thông Cách mạng Tháng Tám - Lê Thanh Nghị - tuyến đường dẫn lên cầu Hòa Xuân có lưu lượng giao thông khá lớn trong giờ cao điểm. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, hiện nay, tại cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu (tuyến đường Lê Thanh Nghị - Cách mạng Tháng Tám - Thăng Long - tuyến đường dẫn lên cầu Hòa Xuân) đã xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm. Qua khảo sát, các phương tiện mất khoảng 2-3 chu kỳ mới qua được nút, hàng chờ dài nhất khoảng 300-400m.

Bên cạnh đó, lưu lượng qua nút trong giờ cao điểm hiện nay khoảng 4.000 xe ô-tô quy đổi/giờ, vượt quá khả năng thông hành của nút giao tự điều chỉnh. Đây là cụm nút giao thông nằm ở cửa ngõ dẫn vào khu vực trung tâm thành phố nên hằng ngày, đặc biệt là vào giờ cao điểm, mật độ người và phương tiện cơ giới lưu thông qua cụm nút này rất cao. Do đó, việc điều chỉnh phương án tổ chức giao thông khu vực này rất cần thiết.

Theo khảo sát của Ban An toàn giao thông thành phố, cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân nằm trên trục đường chính của tuyến vận tải hàng hóa nối từ cảng Tiên Sa đến quốc lộ 14B đi lên các tỉnh Tây Nguyên và quốc lộ 1A (các tỉnh trong khu vực) nên hằng ngày có rất nhiều phương tiện vận tải, nhất là xe container, xe tải lưu thông. Trong nhiều năm qua, cụm nút giao thông này là “điểm đen” về ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Đáng ngại hơn, nơi đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Xây dựng các phương án và nguồn vốn triển khai

Để triển khai cải tạo cụm nút giao thông này, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng 5 phương án khác nhau. Cụ thể: phương án 1 là mở rộng cầu Hòa Xuân kết hợp phân luồng, tổ chức giao thông lại tại nút giao với tuyến đường Thăng Long; phương án 2 là mở rộng cầu Hòa Xuân và đầu tư hầm chui trên tuyến đường Thăng Long; phương án 3 là mở rộng cầu Hòa Xuân kết hợp cầu vượt thép trên tuyến đường Cách mạng Tháng Tám; phương án 4 là mở rộng cầu Hòa Xuân kết hợp hầm chui trên tuyến đường Thăng Long và cầu vượt thép trên đường Cách mạng Tháng Tám; phương án 5 là xây dựng cầu Hòa Xuân mới và cầu vượt thép trên tuyến đường Cách mạng Tháng Tám, tổ chức lưu thông một chiều trên cầu…

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung, sau khi nghe báo cáo về phương án tổ chức giao thông cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân cũng như nguồn vốn triển khai dự án “Mở rộng cầu Hòa Xuân và đường dẫn đầu cầu” và góp ý của đại diện các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đã giao sở chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu kỹ việc tổ chức cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân theo phương án 4.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, tổ chức phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, hoàn thành gửi lấy ý kiến phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố và ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức, đơn vị và người dân; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Cụ thể, phương án mở rộng cầu Hòa Xuân kết hợp hầm chui trên đường Thăng Long và cầu vượt thép trên đường Cách mạng Tháng Tám theo hướng thêm một đơn nguyên tại cầu Hòa Xuân về hướng cầu Tiên Sơn với bề rộng 12,5m; kết hợp với cầu cũ thành cầu mới rộng 27m. Chiều dài đơn nguyên xây mới tương tự như cầu hiện trạng dài 300m, khẩu độ gồm 7 nhịp x 42m/nhịp. Về xây hầm chui trên tuyến đường Thăng Long ngay tại nút giao cầu Hòa Xuân - Thăng Long dài 50m, bề rộng hầm chui là 11,5m, chiều dài hầm dẫn 140m mỗi bên; bên cạnh đó, thu hẹp vỉa hè trên tuyến đường Thăng Long từ 5m xuống còn 3m. Về xây dựng cầu vượt thép trên tuyến đường Cách mạng Tháng Tám có chiều dài cầu vượt 220m, gồm 5 nhịp, mỗi nhịp 42m, bề rộng cầu 15m và đường gom hai bên từ 7,5m đến 10,5m. Đồng thời, đóng dải phân cách giữa nối liền cầu Hòa Xuân với tuyến đường Lê Thanh Nghị. Kinh phí thực hiện khoảng 410 tỷ đồng.

Theo Ths. Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Kỹ Việt, việc đầu tư cải tạo, mở rộng và tổ chức giao thông nhằm xóa “điểm đen” về ùn tắc và tai nạn giao thông tại cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân là rất cấp thiết. Về ưu điểm, phương án này sẽ giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc cục bộ tại cụm nút đầu cầu Hòa Xuân, ngoài ra, bảo đảm giao thông trên tuyến đường Thăng Long và Cách mạng Tháng Tám và khắc phục hiện tượng thắt cổ chai tại cầu Hòa Xuân, hình thành trục giao thông chính từ tuyến đường Nguyễn Phước Lan - Lê Thanh Nghị. Phương án này phù hợp nội dung Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 cũng như hạn chế tối đa việc mở rộng đường làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.

Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND xem xét, thống nhất chủ trương thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân theo phương án 4; giao sở triển khai các thủ tục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách theo quy định hiện hành; thời gian thực hiện trong các năm 2021-2025. Trong trường hợp chưa cân đối ngân sách thành phố trong giai đoạn 2021-2025, sở đề nghị phân kỳ thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: mở rộng cầu Hòa Xuân với chiều rộng 27 m; xây dựng hầm chui trên tuyến đường Thăng Long với bề rộng hầm chui 10,5m; tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu tại nút giao Cách mạng Tháng Tám - Lê Thanh Nghị. Thời gian thực hiện trong các năm 2021-2025 với kinh phí khoảng 240 tỷ đồng. Giai đoạn 2 đầu tư cầu vượt kết cấu thép trên đường Cách mạng Tháng Tám và hoàn thiện phương án tổ chức giao thông toàn bộ cụm nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân trong các năm 2026-2030 với kinh phí khoảng 170 tỷ đồng.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.