Ảnh hưởng của Covid-19 khiến giá cả một số mặt hàng thời gian qua biến động như: giá vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, mặt hàng chống dịch… Tuy nhiên, theo ghi nhận, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố vẫn khá ổn định, không có sự biến động mạnh về giá.
Cán bộ Quản lý thị trường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đề nghị ký cam kết bán hàng bình ổn giá đối với một hộ kinh doanh hàng hóa trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, nhất là thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình giá cả một số mặt hàng trên thị trường có xu hướng tăng giá. Đặc biệt các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày và có nhu cầu tiêu dùng cao như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, bột mỳ, thực phẩm công nghệ chế biến, xăng dầu, ga và các mặt hàng phục vụ phòng, chống Covid-19 (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế...).
Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số đại lý bán hàng, việc tăng giá này đến từ nguyên nhân khách quan do giá xăng dầu thời gian qua điều chỉnh tăng mạnh - giảm nhẹ đã tác động tới giá cước vận chuyển và tạo ảnh hưởng dây chuyền lên giá cả hàng hóa. Ngoài ra, lý do giá của nhiều nhóm hàng tăng cao hơn trước vì giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi đó, nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu không được kích hoạt trong thời điểm này.
Trước thời điểm Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách mạnh “ai ở đâu thì ở đó”, lợi dụng tâm lý tích trữ hàng hóa của người dân, một số tiểu thương đã nâng giá bán các mặt hàng thiết yếu, gây bức xúc trong nhân dân. Đơn cử như trong các ngày 13 và 14-8, tại chợ Đống Đa, các tiểu thương ngành hàng rau hành, lagim đã tự ý nâng giá bán lên so với ngày thường; ngành hàng thịt heo tăng giá từ 30.000-50.000 đồng/kg thịt. Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, Trưởng ban quản lý chợ Đống Đa Nguyễn Công An đã triển khai cho tổ bảo vệ chợ phát loa tuyên truyền, cảnh cáo tiểu thương có hành vi tự ý nâng giá bán hàng; đồng thời cương quyết cho dừng hoạt động kinh doanh đối với những tiểu thương vi phạm. Tương tự, trong ngày 13-8, Ban quản lý chợ huyện Hòa Vang đã kiểm tra, phát hiện 4 trường hợp tiểu thương (2 trường hợp tại chợ Miếu Bông, xã Hòa Phước và 2 trường hợp tại chợ Túy Loan, xã Hòa Phong) bán hàng cao hơn giá niêm yết; Ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang đã lập biên bản, thu thẻ tiểu thương và giấy đi đường.
Từ tháng 5-2021 đến nay, Sở Công thương thành phố đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đủ. Đồng thời, bảo đảm bán hàng hoạt động liên tục, không gián đoạn, đặc biệt là các mặt hàng bình ổn thị trường, mặt hàng thiết yếu. Trước sự đề nghị của Sở Công thương, các hệ thống siêu thị đã gửi bảng chào giá bán hàng công khai, cam kết giữ ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu, kể cả trong trường hợp nguồn cung đầu vào có biến động. Ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc MM Mega Market cho biết: “Tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm tại siêu thị đều không tăng giá trong thời gian qua. Một số mặt hàng thiết yếu như: dầu ăn, đường, gạo, gia vị, nước chấm, các loại thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh, các loại thức uống bổ dưỡng, mỹ phẩm, nước tẩy rửa, bột giặt giảm giá trung bình 20-30%”.
Trong khi các đơn vị cung ứng lớn có trách nhiệm ký cam kết với cơ quan chức năng về niêm yết giá bán, không tăng giá dịch vụ bất hợp lý, không lợi dụng dịch bệnh để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng… thì tại một số cửa hàng nhỏ trong khu dân cư, vẫn có trường hợp người bán lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường để bán hàng tồn kho, hết hạn sử dụng. Trước dự báo tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, cung - cầu hàng hóa, ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát tình hình thị trường và chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi thông tin, nắm bắt diễn biến cung-cầu, giám sát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường đối với tất cả các hàng hóa, kể cả những đơn vị kinh doanh cá thể ở khu dân cư. Qua đó, kịp thời tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, nâng giá, găm hàng, không niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu, phục vụ công tác phòng, chống Covid-19.
QUỲNH TRANG