Tiếp sức cho lao động ngành du lịch

.

Dịch bệnh khiến nhiều lao động ngành du lịch mất việc, nghỉ việc dài hạn. Do vậy, các chính sách, gói hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng Covid-19 của Chính phủ và thành phố đang trở thành “cứu cánh”, hỗ trợ kịp thời cho người lao động vượt qua khó khăn.

Do ảnh hưởng dịch bệnh nên lao động ngành du lịch rất mong muốn sớm nhận được các gói hỗ trợ của thành phố và Chính phủ. Trong ảnh: Nhân viên lễ tân khách sạn À La carte đang đón khách. (Ảnh chụp trước ngày 30-4-2021)  Ảnh: CAO MINH
Do ảnh hưởng dịch bệnh nên lao động ngành du lịch rất mong muốn sớm nhận được các gói hỗ trợ của thành phố và Chính phủ. TRONG ẢNH: Nhân viên lễ tân khách sạn À La carte đang đón khách. (Ảnh chụp trước ngày 30-4-2021).  Ảnh: CAO MINH

Là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, công ty của anh Lê Thiên Tư (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đã phải ngừng hoạt động hơn một năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mới đây, anh Tư cũng như nhiều lao động trong ngành du lịch đã nhận được 3,7 triệu đồng nằm trong gói 26 tỷ đồng hỗ trợ của Chính phủ. Số tiền này tuy không lớn nhưng cũng giúp đỡ anh và các đồng nghiệp phần nào để trang trải các chi phí sinh hoạt thường ngày.

Cũng sớm nhận được số tiền hỗ trợ của Chính phủ, chị Nguyễn Thị Thơm (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà), một hướng dẫn viên du lịch tự do, gần hai năm không có việc làm. Khi có thông tin, chị làm hồ sơ và đã được nhận số tiền hỗ trợ 3,7 triệu đồng một cách nhanh chóng khiến chị rất cảm kích. “Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì đây chính là cứu cánh cho những người lao động đang bị thất nghiệp như chúng tôi”, chị Thơm bày tỏ.

Sở Du lịch thành phố cho biết, triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19-7-2021 của UBND thành phố về triển khai thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 năm 2021, tính đến ngày 18-8-2021, Sở Du lịch đã tổ chức xét duyệt và chi trả mức hỗ trợ kinh phí cho các hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và trình Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt 12 đợt với 1.921 hướng dẫn viên.

Trong đó, đã có 1.056 hướng dẫn viên (7 đợt) đã được phê duyệt danh sách và hỗ trợ kinh phí với số tiền 3,9 tỷ đồng; 789 hướng dẫn viên đã được nhận tiền hỗ trợ, số hướng dẫn viên còn lại do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa nhận được. Hiện sở đang tiếp tục triển khai hướng dẫn cho 1.700 hướng dẫn viên nộp hồ sơ trực tuyến đến Sở Du lịch (cộng dồn 3.000 hồ sơ trực tuyến) để sớm nhận được hỗ trợ.

Ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố Đà Nẵng cũng đang có gói vay vốn hỗ trợ cho lao động ngành du lịch để tái sản xuất, vượt qua khó khăn do Covid-19 thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Mức vay vốn tối đa là 100 triệu đồng/người; lãi suất vay 7,93%; thời hạn vay tối đa 120 tháng. Đến nay đã có khoảng 90 lao động trong ngành du lịch nhận được các gói vay với tổng số tiền khoảng 4,9 tỷ đồng. Trong đó, gói vay thấp nhất là 15 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng. Qua trao đổi được biết những người vay vốn chủ yếu để kinh doanh, buôn bán, mở quán cà phê… duy trì cuộc sống trong thời gian không có việc làm.

Tuy nhiên, nhiều lao động trong ngành du lịch chia sẻ, dù rất muốn tiếp cận gói vay nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Chị N.T.T, một hướng dẫn viên bày tỏ sau thời gian dài thất nghiệp, chị vừa tìm một công việc khác làm tạm trong thời gian chờ ngành du lịch sôi động trở lại. Thế nhưng, khi đi nộp hồ sơ vay vốn để chuyển đổi ngành nghề thì được trả lời là đã có công việc mới, không thuộc diện vay nữa.

Hay một số trường hợp tạm trú ở phường này, thường trú ở phường khác cũng gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ vay vốn do không địa phương nào tiếp nhận hồ sơ hoặc người vay phải có phương án kinh doanh khiến các lao động ngành du lịch gặp khó. Vì vậy, nhiều lao động ngành du lịch rất mong mỏi việc triển khai các chính sách vay vốn thuận lợi hơn để nguồn vốn sớm đến với người lao động đang gặp khó.

CAO MINH

;
;
.
.
.
.
.