Thời điểm này, hoạt động sản xuất tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) đã sôi động trở lại với gần 100% doanh nghiệp mở cửa. Các giải pháp hỗ trợ như đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 1 và 2 cho người lao động, giảm phí sử dụng hạ tầng, từng bước hướng dẫn để đội ngũ chuyên gia, người lao động nước ngoài quay trở lại… đang được thành phố nhanh chóng triển khai. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC&CKCN nhằm làm rõ hơn tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.
Các doanh nghiệp đang từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Huỳnh Đức (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Ông Phạm Trường Sơn cho biết:
- Qua kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại KCNC, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN thì phần lớn các doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất bình thường. Những doanh nghiệp lớn đã bố trí 70% lực lượng lao động tại các dây chuyền sản xuất nhằm tối đa hóa công tác vận hành và nâng cao hiệu quả sản xuất, phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới. Việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố diễn ra thông suốt, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do nhiều chuyên gia người nước ngoài bị hạn chế nhập cảnh; người lao động đang cư trú tại tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận đến nay chưa về được Đà Nẵng vì chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêm vắc-xin cũng như việc xét nghiệm. Bên cạnh đó, khâu vận chuyển hàng hóa liên tỉnh còn gặp trở ngại vì một số hàng hóa được đánh giá là chưa thiết yếu nên chưa được cấp phép vào địa bàn thành phố; chi phí vận chuyển gia tăng làm thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và tăng chi phí sản xuất.
* Sau khi thành phố dần trở về trạng thái bình thường mới, tình hình hoạt động sản xuất và phòng, chống dịch tại KCNC&CKCN trên địa bàn thành phố có những điểm gì mới, thưa ông?
- Vừa qua, Ban quản lý KCNC&CKCN đã có văn bản triển khai công tác phòng, chống dịch giai đoạn mới đến các đơn vị hạ tầng trong các KCN, Khu CNC và Khu Công nghệ thông tin tập trung nhằm thực hiện một số nội dung theo Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 28-9-2021 của UBND thành phố về thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong tình hình hiện nay.
Theo đó, các doanh nghiệp được bố trí tối đa số người làm việc nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về phòng, chống dịch. Cụ thể: duy trì thường xuyên kế hoạch xét nghiệm, thực hiện nghiêm quy định 5K, người lao động đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 sau 14 ngày, có mã QR và thường xuyên sử dụng mã QR khi đến làm việc theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông. Các đơn vị có trang bị thiết bị kiểm soát mã QR và hằng ngày bắt buộc phải kiểm soát QR code để quản lý đối với những người đến tham gia các hoạt động, làm việc, giao dịch. Doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 với 100% người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở. Ban quản lý KCNC&CKCN sẽ kiểm tra, giám sát phương án an toàn phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động nếu không bảo đảm an toàn theo quy định.
* Sau hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” do thành phố tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, Ban quản lý KCNC&CKCN triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như thế nào?
- Ngay sau hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, chúng tôi đã nhanh chóng báo cáo và đề xuất UBND thành phố phương án thực hiện chính sách giảm tiền sử dụng hạ tầng cho các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, KCNC và Khu Công nghệ thông tin tập trung. Cụ thể, chỉ thu 50% tiền sử dụng hạ tầng phải nộp năm 2021 của các doanh nghiệp trong KCNC. Đối với các KCN do Nhà nước làm chủ đầu tư như KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (quận Sơn Trà) chỉ thu 50% tiền sử dụng hạ tầng phải nộp năm 2021 của các doanh nghiệp. Đối với các KCN do tư nhân đầu tư, ngân sách thành phố hỗ trợ bằng 50% tiền sử dụng hạ tầng doanh nghiệp phải nộp năm 2021.
Về hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động, tính đến hết tháng 9-2021, tổng số chuyên gia, người lao động tại các KCN, KCNC, Khu Công nghệ thông tin tập trung được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là 57.173 người, đạt 80% tổng số lao động. Đối với người lao động còn lại chưa tiêm chủng (14.032 người) sẽ tiếp tục được lên danh sách theo hướng dẫn của Sở Y tế và gửi về đơn vị phụ trách tiêm chủng theo quy định.
* Hiện nay, các doanh nghiệp trong KCNC&CKCN gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu của đội ngũ chuyên gia, người lao động muốn quay trở lại Đà Nẵng làm việc, hoặc trường hợp các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có nhu cầu mời chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài nhập cảnh làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Hướng xử lý cụ thể vấn đề này trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Từ ngày 18-5, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, một số nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao người nước ngoài của các doanh nghiệp trong các KCN, KCNC và Khu Công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố chưa được xem xét, hỗ trợ nhập cảnh vào Việt Nam làm việc đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có máy móc thiết bị xảy ra sự cố hoặc nhập được máy mới, tuy nhiên lao động người Việt Nam không xử lý, lắp đặt, vận hành được nên phải tạm dừng hoạt động và năng suất giảm. Việc nhà quản lý, giám đốc điều hành doanh nghiệp chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam dẫn đến công tác điều hành, chỉ đạo hoạt động của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động đến tình hình triển khai dự án.
Thực tế, dịch bệnh tại thành phố Đà Nẵng đã cơ bản được kiểm soát, Ban quản lý KCNC&CKCN đã báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét quyết định tiếp nhận, giải quyết nhập cảnh của nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao người nước ngoài vào Đà Nẵng. Theo đó, xem xét đơn giản hóa các thành phần hồ sơ đăng ký nhập cảnh, người nước ngoài là chuyên gia và thân nhân; học sinh, sinh viên, người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ. Đồng thời, xem xét giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký nhu cầu nhập cảnh của chuyên gia người nước ngoài từ ngày 4-10 Ngày 4-10-2021, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn số 3050/VP-KGVX về việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài. Trong đó, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban quản lý KCNC&CKCN cùng các sở, ban, ngành liên quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ của các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn thành phố về việc đăng ký nhu cầu nhập cảnh của chuyên gia người nước ngoài kể từ ngày ban hành văn bản này. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm lấy ý kiến các đơn vị liên quan nhằm làm rõ nhu cầu, nội dung công việc, đánh giá sự cần thiết phải nhập cảnh của chuyên gia, lao động người nước ngoài; trên cơ sở đó, tham mưu kịp thời cho UBND thành phố xem xét, xử lý theo đúng quy định. |
KHÁNH HÒA thực hiện