Vượt khó thi công các công trình trong mùa mưa bão

.

Mùa mưa bão đã ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình xây dựng, trong đó khó khăn nhất là những dự án giao thông, đặc biệt là các công trình làm đường, cầu, hầm chui... Các đơn vị đang tập trung triển khai những giải pháp bảo đảm tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Nhiều cọc móng ở công trình tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan chưa thể thi công do ảnh hưởng mưa bão. Ảnh: THÀNH LÂN
Nhiều cọc móng ở công trình tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan chưa thể thi công do ảnh hưởng mưa bão. Ảnh: THÀNH LÂN

Những cơn mưa liên tục vừa qua làm cho tuyến đường dẫn vào công trình tuyến đường vành đai phía tây nhão nhoẹt bùn đất. Tài xế Nguyễn Tấn Hải đang chở sắt để phục vụ cho việc thi công cầu vượt, than thở: “Chỉ một đoạn vài trăm mét mà xe mất gần 20 phút mới vào được điểm tập kết vật liệu”.

Trong khi đó, tại công trình cải tạo nâng cấp tuyến đường ĐT601, nhiều đoạn tuyến đang thi công ngập bùn. Bên cạnh đó, các tuyến đường chở đất, đá vào công trình cũng không khá hơn. Công nhân Lê Văn Tâm đang thi công cầu Cẩm Toại (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết, vừa qua, do mưa bão nên nhiều lần công trình phải tạm dừng.

Có mặt tại công trường thi công nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Cẩm Lệ) ngày 18-10, nhìn công trường với các hạng mục chưa hoàn thiện, vẫn còn lênh láng nước mới thấy hết những khó khăn mà lực lượng thi công gặp phải.

Anh Trần Văn Phương, công nhân đang thi công dự án cho hay, công trình đang triển khai thuận lợi nhưng bất ngờ mưa bão ập đến vừa qua khiến tất cả các hạng mục bị ngập trong nước. Để thi công trở lại, việc đầu tiên là phải xử lý sình lầy nền, mặt đường, thông cống rãnh; đặc biệt là phải dùng bơm, bơm toàn bộ nước ra ngoài...

Qua tìm hiểu, hàng loạt công trình giao thông như: cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, tuyến đường vành đai phía tây, nâng cấp cải tạo tuyến đường ĐT601, dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà, tuyến cống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành, cải tạo tuyến đường Ngô Quyền và tuyến đường Ngũ Hành Sơn... cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi bước vào mùa mưa, bão. Mới đây, ngay sau cơn bão số 5, dự án cải cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý vừa gây ngập lụt một số nhà dân khu vực dự án, vừa gây ngập toàn bộ các ống đốt hầm đang thi công, khiến dự án phải mất 4 ngày bơm nước, vệ sinh đốt hầm mới có thể hoạt động trở lại...

Theo ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, khó khăn nhất hiện nay là đang vào mùa mưa bão nên việc thi công các hạng mục công trình, dự án trên địa bàn sẽ bị ảnh hưởng khá lớn.

Thực tế, tiến độ thi công là bài toán lớn đối với công trình trong mùa mưa bão. Vì vậy, nhân lúc thời tiết thuận lợi, các đơn vị cho người lao động tăng ca làm việc nhằm bảo đảm công trình được xây dựng đúng tiến độ và đạt chất lượng.

Ông Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 545 (đơn vị thi công dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan) cho biết: “Tranh thủ thời tiết nắng ráo, chúng tôi động viên anh em đẩy nhanh tiến độ làm việc để bảo đảm kế hoạch đề ra. Bởi dự án nằm sát ven sông nên mưa bão là bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các đoạn thi công dễ bị chia cắt do ngập nước...”.

Thời gian qua, trên công trình dự án nạo vét thoát lũ sông Cổ Cò, cải tạo tuyến đường ĐT601, cải tạo tuyến đường Ngô Quyền và tuyến đường Ngũ Hành Sơn, tuyến đường ĐH2, tuyến đường vành đai phía tây 2..., không khí thi công luôn diễn ra khẩn trương. Các đơn vị vừa thi công vừa theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời di dời vật tư thiết bị và nhân lực lên vị trí an toàn, tránh thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra mưa bão, lũ lụt...

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung, từ tháng 9 đến tháng 12, mưa, bão ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công cũng như chất lượng các công trình xây dựng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông. Do vậy, sở thường xuyên chỉ đạo các ban quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tránh thiệt hại, rủi ro trong xây dựng khi mưa bão về như: gia cố nơi ở của công nhân, di chuyển công nhân về nơi an toàn; neo giữ phương tiện, vật tư, vật liệu...; nhất là chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm bắt thông tin, tạm dừng thi công trước 1-2 ngày khi có bão. Đồng thời, các đơn vị xây dựng kế hoạch thi công, bảo đảm chất lượng công trình, có điểm dừng kỹ thuật hợp lý; bố trí tăng ca, tăng thiết bị và nhân lực làm bù thời gian nghỉ do thiên tai..., qua đó, góp phần hoàn thành các dự án đúng tiến độ, đúng quy định.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.