Xây dựng doanh nghiệp "xanh", hướng đến khu công nghiệp sinh thái

.

Xây dựng doanh nghiệp bảo đảm các tiêu chí về môi trường hay hướng đến xây dựng khu công nghiệp sinh thái là hướng đi quan trọng giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu để phát triển bền vững, tăng tính cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng đang rộng mở từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Một góc Khu công nghiệp Hòa Khánh, nơi đang được xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một góc Khu công nghiệp Hòa Khánh, nơi đang được xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bảo vệ môi trường, sản xuất sạch

Nhiều năm qua, Công ty CP Dệt may 29-3 đã đầu tư chi phí cho việc xử lý chất thải, xây dựng môi trường xanh sạch như: trồng cây xanh, xây dựng bồn hoa, cây cảnh, thảm cỏ… trong khuôn viên nhà máy; cam kết sử dụng nước sạch; bố trí thùng rác hợp vệ sinh, không để rác thải ứ đọng và không để nước thải ra đường phố; không phát tán khí thải độc hại chưa qua xử lý…

Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, công ty đầu tư nhà máy may tại xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bảo đảm đạt các tiêu chí của một nhà máy “xanh” do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam chứng nhận nhằm tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và đáp ứng yêu cầu mở rộng năng lực sản xuất của khách hàng may mặc ở thị trường này. Doanh nghiệp tiếp tục định hướng này đối với các nhà máy sản xuất chính đang hoạt động tại quận Thanh Khê.

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết, việc xây dựng thành công nhà máy “xanh” luôn là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển dài hạn của đơn vị nhằm bảo đảm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường cơ hội hợp tác và phát triển quan hệ thương mại với các đối tác khác cũng như thực thi trách nhiệm xã hội, góp phần giữ vững hình ảnh, uy tín của công ty.

Để tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, các doanh nghiệp ở lĩnh vực thủy sản phải bảo đảm đáp ứng đủ và kịp thời nhiều yêu cầu cũng như quy định, trong đó có nội dung về vệ sinh môi trường. Tại Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng, từ năm 2020 đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với diện tích 6.000m2 bao phủ toàn bộ khu vực trần nhà của hệ thống nhà xưởng sản xuất và kho lạnh.

Theo ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng, hệ thống điện năng lượng mặt trời này không chỉ bảo đảm cấp điện liên tục, ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mà còn loại bỏ khả năng gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí về điện, một trong những phần chi phí đầu vào lớn của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, xây dựng doanh nghiệp “xanh” luôn là xu hướng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhất là khi nước ta tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do. Đây cũng là mục tiêu thành phố hướng đến trong quá trình phát triển kinh tế bền vững. Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng môi trường sản xuất xanh - sạch, cải thiện và bảo vệ môi trường sống, từ năm 2016 đến nay, thành phố có chủ trương chuyển đổi Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) theo mô hình KCN sinh thái; qua đó xây dựng phương thức chuyển đổi để thí điểm và áp dụng cho các KCN còn lại trên địa bàn thành phố. Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc triển khai nhiều hoạt động nhằm chuyển đổi KCN Hòa Khánh theo mô hình KCN sinh thái.

Qua nhiều năm triển khai, dự án chuyển đổi KCN Hòa Khánh theo mô hình KCN sinh thái đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 29 doanh nghiệp. Các chuyên gia của dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn, trong đó có nhiều nội dung như tiết kiệm điện, tiết kiệm nguyên vật liệu hóa chất, tiết kiệm nước, nhiên liệu, giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, tuần hoàn chất thải, tái sử dụng năng lượng… Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực đánh giá, quản lý công tác bảo vệ môi trường cho cán bộ tại các doanh nghiệp.

Bảo đảm các tiêu chí về môi trường là hướng đi quan trọng giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu để phát triển bền vững. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA
Bảo đảm các tiêu chí về môi trường là hướng đi quan trọng giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu để phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng cho biết, việc triển khai xây dựng mô hình KCN sinh thái là nhiệm vụ quan trọng, góp phần hướng tới mục tiêu thành phố môi trường, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu, tuy nhiên, xây dựng mô hình KCN sinh thái là một chặng đường dài. Nhằm đẩy mạnh xây dựng mô hình KCN sinh thái trên địa bàn thành phố, trong thời gian sắp tới, Ban quản lý sẽ tăng cường tổ chức các tọa đàm để doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, trao đổi các cơ hội hợp tác hình thành các mạng lưới trao đổi và tuần hoàn chất thải. Đồng thời, các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác hình thành các mạng lưới cộng sinh theo quy định của pháp luật.

Thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), thời gian qua, đơn vị đã tập trung tham mưu, triển khai thực hiện nhiều nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới công nghệ, khuyến công… nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh, kịp thời các yêu cầu, trong đó có bảo vệ môi trường, xây dựng chuỗi sản xuất an toàn, giảm thải ra môi trường, tăng cơ hội để doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn. Đây cũng là điểm sáng trong chương trình khuyến công với mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp của thành phố nhiều năm qua. Mặc dù việc hỗ trợ sản xuất sạch hơn mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ kiến thức cho doanh nghiệp nhưng đã nhận được phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp được lựa chọn. Ngoài việc tranh thủ từ nguồn kinh phí của địa phương, nhiều doanh nghiệp công nghiệp của Đà Nẵng đã nhận được hỗ trợ từ kinh phí của Bộ Công Thương để thực hiện đánh giá, tư vấn sản xuất sạch hơn tại một số doanh nghiệp như: Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn; Công ty CP Giấy Sức Trẻ; Công ty CP Lâm sản xuất nhập khẩu Đà Nẵng; Công ty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn; Công ty TNHH Kiến trúc và thương mại Á Châu với tổng kinh phí 250 triệu đồng.  

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích