Khơi thông nguồn lực đất đai

.

Sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”, thành phố Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục khơi thông nguồn lực này trong thời gian đến.

Những năm qua, thành phố đã khai thác tốt nguồn lực đất đai, thu hút nhiều dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các dự án ven biển. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Những năm qua, thành phố đã khai thác tốt nguồn lực đất đai, thu hút nhiều dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các dự án ven biển. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tô Văn Hùng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, sở đã xác định nhiệm vụ quản lý và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã thu hút nhiều dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các dự án ven biển thuộc quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, khu vực phía tây...

Giai đoạn 2012-2020, thành phố đã thu tiền từ khai thác quỹ đất đạt hơn 20.000 tỷ đồng, là một trong những nguồn lực chủ yếu để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và xã hội. Từ nguồn lực từ đất đai, thành phố tập trung triển khai nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại. Đặc biệt, sau 8 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, thành phố đã đạt một số kết quả tích cực, góp phần khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 2013 đến nay, thành phố giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với 36 khu đất (dự án) và 319 lô đất với tổng diện tích 24,5ha, thu vào ngân sách 2.400 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thu hồi sau 8 năm khoảng 1.157ha với hơn 6.000 hộ dân di dời. Thành phố đã thực hiện linh hoạt cơ chế tạo quỹ đất phục vụ cho công tác bố trí tái định cư.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố đã được thực hiện đồng bộ; việc phân bổ quỹ đất đáp ứng tương đối cho các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh; chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng...

Cũng theo ông Tô Văn Hùng, những năm qua, Sở TN&MT, Chi cục Quản lý đất đai đã tổ chức thực hiện toàn diện các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai, các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền; đặc biệt là công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để xóa bỏ những rào cản, tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Tuy vậy, trong cùng một thời điểm, thành phố phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, trong đó có nhiều vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền giải quyết nên đến nay kết quả thực hiện vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều dự án phải tạm dừng hoặc không tiếp tục triển khai, gây lãng phí, ách tắc trong khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tâm lý của nhà đầu tư.

Xác định việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố có ý nghĩa rất quan trọng, giúp khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã đề xuất xử lý đối với những vấn đề vướng mắc về đất đai trong giai đoạn chuyển tiếp sắp tới, nhất là các bản án và kết luận thanh tra của cấp trên...

Một số dự án về du lịch, nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển đã được tháo gỡ vướng mắc về đất đai, hiện đang thi công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thời gian đến. Ảnh: H.HIỆP
Một số dự án về du lịch, nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển đã được tháo gỡ vướng mắc về đất đai, hiện đang thi công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thời gian đến. Ảnh: H.HIỆP

Theo ông Tô Văn Hùng, hiện nay, Sở TN&MT đang tập trung triển khai hoàn thiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo quy định nhằm tích hợp vào quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở cũng đang tập trung lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của thành phố và tổ chức thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các quận, huyện, làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuế đất, chuyển mục địch sử dụng đất phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Đà Nẵng Nguyễn Đức Lập cho rằng: “Cú hích về hạ tầng được xây dựng trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong tầm nhìn chung về quy hoạch, Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng hạ tầng, khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực từ đất đai, phát triển đi vào chiều sâu và tạo ra giá trị gia tăng”. Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Kinh tế Đà Nẵng, thành phố cần có cơ chế, chính sách khai thác nguồn lực đất đai phù hợp, khoa học để vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ gìn nguồn lực này cho thế hệ sau.

Tại hội thảo trực tuyến “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong trại thái bình thường mới” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức đầu tháng 11-2021, Viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách TN&MT Nguyễn Đình Thọ đề xuất Đà Nẵng cần định hướng đa dạng hóa loại hình sử dụng đất, tránh tình trạng tập trung vào loại hình du lịch như hiện tại. Bên cạnh đó, thành phố phát triển hệ thống đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển dọc theo các tuyến giao thông, hình thành hạ tầng để phát triển các hệ sinh thái. Đây sẽ là những khu vực năng động, phục hồi tốt trong thời gian đến.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.