Thu hút đầu tư từ Trung Đông và Ấn Độ thời kỳ hậu Covid-19

.

Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, những tháng cuối năm 2021, thành phố Đà Nẵng có các chương trình xúc tiến đầu tư trực tuyến đến khu vực Trung Đông và Ấn Độ, trong đó nhắm đến các nhà đầu tư Ấn Độ với nguồn lực tài chính đi kèm công nghệ thông tin, hóa dược...

Đà Nẵng có nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao. Trong ảnh: Khu đô thị FPT Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao. TRONG ẢNH: Khu đô thị FPT Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Tiềm năng và cơ hội hợp tác mới

Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước ở khu vực Trung Đông và Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế và có xu hướng đầu tư ra nước ngoài theo hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn với chuyển đổi số, ưu tiên các lĩnh vực như: du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản xanh, tài chính, năng lượng sạch (điện mặt trời, hydro xanh…), công nghệ tiên tiến, nông nghiệp thông minh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hợp tác đầu tư những năm qua, các quốc gia khu vực Trung Đông có 135 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn hơn 900 triệu USD. Ấn Độ xếp hạng 26 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang có FDI ở Việt Nam. Quốc gia này đang có 286 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD.

Tại thành phố Đà Nẵng, nhà đầu tư đến từ Trung Đông đang triển khai dự án Tổ hợp dự án du lịch biển DAP - DAP1 - DAP2 có quy mô 39ha tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án có tính dẫn dắt để có thêm các nhà đầu tư khu vực Trung Đông đến với Đà Nẵng. Ngày 26-8, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới”. Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, Trung Đông là một thị trường lớn không chỉ về dầu khí mà còn về nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ với nhiều quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới. Đồng thời, Trung Đông còn là thị trường đầy tiềm năng trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch đối với thành phố Đà Nẵng. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và các quốc gia Trung Đông ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả với nhiều kết quả tích cực, song chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác hai bên, nhất là về đầu tư, thông tin về thị trường… Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với các quốc gia Trung Đông như: các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cung cấp thêm thông tin về chính sách hợp tác của Việt Nam với khu vực Trung Đông, giúp thành phố Đà Nẵng có định hướng hợp tác cụ thể và hiệu quả với các đối tác ở khu vực này; đẩy mạnh phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo xúc tiến đầu tư, tọa đàm kết nối doanh nghiệp…; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng thông qua các hoạt động văn hóa, ngoại giao nhằm kích cầu du lịch tại hai thị trường.

Thu hút đầu tư đi vào thực chất

Ngày 27-7, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Công ty Sri Avantika (Ấn Độ) tổ chức hội thảo trực tuyến kết nối đầu tư xây dựng Công viên Dược phẩm tại Việt Nam. Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đà Nẵng hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư từ Ấn Độ.

Qua kết nối của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, thành phố Đà Nẵng là điểm sáng để hiện thực hóa ý tưởng của một số doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư xây dựng Công viên Dược phẩm (Pharma Park) tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực Ấn Độ đặc biệt có thế mạnh với vị trí thứ ba về khối lượng và thứ 14 về giá trị dược phẩm trên toàn cầu. Các công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã nhận được chứng chỉ quốc tế từ Mỹ, EU và Australia. Doanh nghiệp ngành dược phẩm Ấn Độ xác định tiêu chí đầu tư dự án Pharma Park là vị trí xây dựng gần các cảng biển nhưng không quá xa thành phố và có hạ tầng giao thông tốt để thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm; diện tích quỹ đất lý tưởng từ 500 - 1.000ha (tối thiểu 300ha) cùng những ưu đãi cho xây dựng hạ tầng và sản xuất kinh doanh từ chính quyền; nguồn cung năng lượng không gián đoạn; nguồn nước sạch bảo đảm sản xuất; nguồn cung nhân lực dồi dào. “Thành phố Đà Nẵng cũng bảo đảm các tiêu chí ban đầu của nhà đầu tư và đang kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh với diện tích hơn 400ha và Khu công nghiệp Hòa Nhơn với diện tích hơn 360ha. Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng; đồng thời mong sớm có cơ hội tiếp tục trao đổi, làm việc với nhà đầu tư về dự án Công viên Dược phẩm”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chia sẻ tại hội thảo.

Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Phạm Trường Sơn cho rằng, định hướng thu hút dự án vào khu công nghệ cao tại thành phố là ưu tiên thu hút các dự án có quy mô trên 100 triệu USD, khuyến khích đạt tối thiểu 15 triệu USD/1 ha. Đây là cơ sở để thành phố lựa chọn những dự án thật sự hiệu quả, có vốn đầu tư cao và sử dụng đất ít, có sức lan tỏa tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.