Nhiều chỉ tiêu kinh tế của thành phố không hoàn thành trong năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 trên địa bàn. Vì vậy, thành phố đã đặt ra các mục tiêu, định hướng cụ thể để quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh là giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: K.HÒA |
Năm 2022, thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép - vừa phòng, chống, kiểm soát dịch, bảo đảm an sinh xã hội, vừa đẩy mạnh khôi phục, tăng trưởng kinh tế với chủ đề là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Cụ thể, thành phố đặt ra các chỉ tiêu kinh tế là GRDP tăng 6-7% so với năm 2021; GTGT khu vực dịch vụ tăng 5-6%; GTGT khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6-7%; GTGT khu vực nông nghiệp tăng 2-3%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 9-10% và tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt bằng 92,1% so với ước thực hiện năm 2021. Đồng thời thành phố cũng đặt ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cao, trung bình, thấp tương ứng với tình hình dịch bệnh được khống chế.
Để thực hiện nhiệm vụ đặt ra, các sở, ban, ngành đã có những giải pháp cụ thể. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố, định hướng kế hoạch tài chính năm tới và giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục triển khai có hiệu quả những chủ trương, biện pháp của Trung ương về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Để thu ngân sách đạt kế hoạch, việc triển khai các chủ trương, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế rất quan trọng, cụ thể như: miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí cho các ngành, lĩnh vực, đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh...
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: K.HÒA |
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng cho biết, ban cùng các đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào KCNC; tập trung hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch đã phê duyệt. Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện hoạt động của KCNC, đẩy mạnh ươm tạo, đào tạo doanh nghiệp công nghệ cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp quy mô lớn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại KCNC&CKCN Đà Nẵng.
Về lĩnh vực dịch vụ, thành phố triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng theo phương châm “Chủ động - Thích ứng - Linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và bảo đảm an toàn cho khách du lịch, người lao động du lịch và cộng đồng”. Theo đó, thành phố triển khai thí điểm một số nội dung và chuẩn bị sản phẩm du lịch mới; phối hợp các ngành, địa phương thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn tạo sản phẩm du lịch. Thành phố phấn đấu năm 2022, tổng lượng khách lưu trú ước đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với năm 2021; trong đó, khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần; doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 6.700 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2021.
Xác định xuất khẩu là điểm sáng của kinh tế dù ảnh hưởng của dịch bệnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu; thực hiện tốt hoạt động của Ban chỉ đạo, tạo thuận lợi thương mại góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, phối hợp các địa phương bảo đảm các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất được lưu thông thông suốt, không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân, phát triển sản xuất kinh doanh và phục hồi vận tải hành khách; phối hợp đề xuất mở lại các đường bay quốc tế.
MAI QUẾ