Ngày 16-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Đến nay, hồ sơ quy hoạch đã cơ bản hoàn thành để gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, việc quy hoạch đã giải bài toán về quỹ đất tái định cư sau giải tỏa bảo đảm theo yêu cầu.
Không gian hiện trạng danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử cho biết, đồ án lập quy hoạch “Bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn” đã trải qua 10/12 bước lập quy hoạch (còn 2 bước là công bố quy hoạch và cắm mốc ranh giới). Việc lập đồ án quy hoạch vượt qua nhiều khó khăn bởi tính đặc thù từ xuất phát điểm quy hoạch trên nền di tích cấp quốc gia đặc biệt; ít có nhà tư vấn lập quy hoạch có kinh nghiệm và giải quyết bài toán di dời, tái định cư với số lượng lớn.
Những nội dung lập quy hoạch chính đã thể hiện tầm nhìn khi tư vấn xác định mở rộng phạm vi lập quy hoạch trùm lên toàn bộ vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt đối với vùng bảo vệ 1, 2 có diện tích 104,9ha và mở rộng thêm một số vị trí có khả năng mở rộng như: công viên biển trên tuyến đường Trường Sa, mở rộng khu vực sông Cổ Cò ở phía tây.
Phạm vi quy hoạch này bảo đảm tầm nhìn nhằm tạo tính thống nhất trong quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý di sản văn hóa, tập trung cao nhất mọi nguồn lực xã hội cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đồng thời bảo đảm nguyên tắc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đô thị.
Ngoài nội dung phạm vi quy hoạch, đồ án cũng tiếp cận sự cần thiết về phát triển hạ tầng, không gian cảnh quan phía sông Cổ Cò; quy hoạch kết nối tổng thể khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, phương án tổ chức giao thông… Trong đó, sơ đồ cấu trúc quy hoạch không gian danh thắng Ngũ Hành Sơn bao gồm: không gian 5 ngọn núi, các công trình di tích, tôn giáo tín ngưỡng, công trình kiến trúc, không gian khu dân cư làng quê, không gian dân cư khu phố cùng hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện trạng.
Quy hoạch thay thế hoàn toàn các tuyến đường giao thông bê-tông nhựa trong khu vực bằng kết cấu lát đá vừa có tính kết nối 5 ngọn núi, vừa định hướng nhận diện khi phương tiện giao thông đi vào khu vực danh thắng. Quảng trường trục lễ hội bảo đảm không làm chia cắt không gian di tích. Bãi đỗ xe có khả năng đáp ứng với số lượng 375 xe buýt, 887 ô-tô con tương đương công suất 15.310 du khách cùng lúc đến tham gia sự kiện lễ hội. Ngoài ra, còn có bãi xe đón trả khách phục vụ giao thông nội bộ với diện tích 0,26ha, đáp ứng bố trí 107 xe điện.
Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, quận đã phối hợp đơn vị tư vấn lập quy hoạch thực hiện công khai các bước, thực hiện điều tra xã hội học, ghi nhận đầy đủ ý kiến nhân dân nên có sự đồng thuận cao về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cũng như phương án chỉnh trang tại danh thắng.
Đồ án quy hoạch xác định khu vực dân cư kinh doanh đá mỹ nghệ ven tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và tuyến đường Non Nước giữ lại chỉnh trang một phần với khoảng 190 hộ, diện tích 37.970m2 và giải tỏa 1 phần khoảng 8.150m2, khoảng 50 hộ để tạo lập trục cảnh quan kết nối ngọn Thủy Sơn với ngọn Mộc Sơn. Đối với khu vực bảo tồn sinh thái vùng dân cư sản xuất nông nghiệp, đơn vị tư vấn đề xuất giữ lại bảo tồn 5 ngôi nhà cổ, giải tỏa 54.233m2 diện tích tại khu vực, đối với các khu vực khác thì tiến hành giải tỏa 192.873m2 với 657 hộ dân.
Vấn đề phương án bố trí tái định cư được quan tâm, thể hiện tính chất bản lề để phát huy hiệu quả sau khi đồ án được phê duyệt và triển khai thực hiện. Theo đơn vị tư vấn quy hoạch đồ án, UBND quận Ngũ Hành Sơn thống nhất cao khi xây dựng phương án đền bù, tái định cư. Ước tính nhu cầu quỹ đất tái định cư cần bố trí theo tuyến đường Lê Văn Hiến có 150 lô; tuyến đường 33m Trần Hưng Đạo nối dài có 25 lô.
Bên cạnh đó còn có quỹ đất với 80 lô ở đường quy hoạch 10,5m; 374 lô đường quy hoạch 7,5m và 605 lô đường quy hoạch 5,5m. Quỹ đất tái định cư hiện đã chuẩn bị có 1.234 lô. Tuy nhiên, theo Tờ trình số 102/TTr-HĐBTTH ngày 11-3-2021 của Hội đồng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư quận Ngũ Hành Sơn có đề xuất điều chỉnh bổ sung sử dụng thêm quỹ đất từ các dự án Khu dân cư Đông Hải, Khu tái định cư Tân Trà, Khu dân cư phía bắc bến xe Đông Nam với 1.565 lô.
TRIỆU TÙNG
Quy mô lập “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn) là 104,9 ha. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn được xác định: phía đông giáp đường Trường Sa và các khu vực ven Biển Đông; phía tây giáp sông Cổ Cò; phía nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2. Sơ đồ quy hoạch không gian xác định bảo vệ nguyên trạng toàn bộ diện tích đất trong ranh giới khu vực bảo vệ di tích cùng với khu vực mới bổ sung (diện tích 189.821m2), thiết lập vùng đệm cây xanh rộng 20m xung quanh khu vực này”. (Nguồn: Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa Kiến Trúc Việt - đơn vị tư vấn lập đồ án) |