Áp lực giá xăng: Thép xây dựng, xe công nghệ tăng giá

.

ĐNO - Trong vài ngày gần đây, giá thép xây dựng trong nước liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng. Chỉ tính từ ngày 3 đến 7-3-2022, giá thép xây dựng đã tăng khoảng 660 đồng/kg - 1.520 đồng/kg. Cũng do áp lực giá xăng, xe công nghệ đã công bố tăng giá cước.

Hầu hết các sản phẩm thép đã tăng giá từ đầu tháng 3-2022 làm ảnh hưởng tiến độ thi công công trình dân dụng và công nghiệp. Trong ảnh: Thi công tại dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở số 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Từ đầu tháng 3-2022, tiến độ thi công các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng do hầu hết các sản phẩm thép tăng giá. Trong ảnh: Thi công tại dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở số 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Khảo sát tại thị trường ở thành phố Đà Nẵng, thương hiệu thép Kyoei có mức tăng khá mạnh. Cụ thể, thép cuộn CB240 tăng 1.220 đồng/kg, lên mức 18.220 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 18.020, tăng 820 đồng/kg.

Với thép Hòa Phát, hiện giá thép cuộn CB240 đã tăng thêm 710 đồng/kg, lên mức 17.780 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.880 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg.

Thép Việt Ý cũng tăng mạnh giá bán. Theo đó, dòng thép cuộn CB240 tăng 710 đồng, hiện có giá 17.680 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 tăng thêm 710 đồng/kg, lên mức 17.780 đồng/kg.

Với thương hiệu thép Việt Đức tại miền Trung, dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 17.810 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 18.120 đồng/kg. Như vậy, cả hai dòng thép này cùng được điều chỉnh tăng thêm 710 đồng/kg.

Thép Việt Nhật điều chỉnh giá thép của hãng tăng thêm 710 đồng/kg đối với cả thép cuộn và thép thanh. Cụ thể, thép cuộn CB240 ở mức 17.710 đồng/kg, và thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.810 đồng/kg.

Thương hiệu thép miền Nam điều chỉnh tăng thêm 710 đồng/kg đối với cả hai dòng sản phẩm thép cuộn CB 240 và thanh vằn D10 CB 300. Hiện cả hai sản phẩm này có giá lần lượt là 17.970 đồng/kg, và 18.170 đồng/kg.

Thép Pomina tại miền Trung tăng mạnh giá bán, với dòng thép cuộn CB240 tăng 610 đồng/kg, hiện ở mức 18.270 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 660 đồng/kg, hiện ở mức 18.470 đồng/kg.

Thép Tung Ho, với dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 cùng có mức tăng 710 đồng/kg, lên mức lần lượt là 17.760 đồng/kg và 17.910 đồng/kg.

Thương hiệu thép Mỹ cũng điều chỉnh mức tăng 810 đồng/kg đối với thép cuộn CB 240, lên mức giá mới là 17.760 đồng/kg, còn đối với thép thanh vằn D10 CB 300, tăng 770 đồng/kg, lên mức 17.970 đồng/kg.

Thép Việt Sing, hai dòng sản phẩm của hãng là thép cuộn CB 240 và thép thanh vằn D10 CB 300 cùng có mức tăng 810 đồng/kg. Hiện hai sản phẩm có giá lần lượt là 17.710 đồng/kg và 17.910 đồng/kg.

Tương tự, thép Việt Mỹ điều chỉnh tăng thêm 710 đồng/kg đối với cả hai sản phẩm thép cuộn CB 240 và thép thanh vằn D10 CB 300. Hiện hai sản phẩm này có giá 17.680 đồng/kg và 17.730 đồng/kg.

Nguyên nhân giá thép tăng liên tục trong thời gian qua là do giá nguyên liệu, trong đó phôi thép tăng cao. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) ngày 23-2-2022, giá phôi thép đã vượt 700 USD/tấn, các nhà cung cấp tiếp tục ép giá xuất khẩu cao hơn ở Đông Nam Á. Giá chào bán cho khu vực cao hơn khoảng 20 USD/tấn so với tuần trước. Cùng với đó, giá giao dịch quặng sắt, thép phế liệu không ngừng tăng, đẩy giá sắt thép thành phẩm tại thị trường trong nước tăng theo.

Cũng từ ngày 10-3, hãng xe công nghệ Grap sẽ bắt đầu tăng giá cước vận chuyển. Cụ thể, tại Đà Nẵng, Grab sẽ tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ là 27.500 đồng, với Grabcar 7 chỗ là 34.000 đồng, GrabBike là 12.500 đồng. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 3 dịch vụ này lên lần lượt là 12.400 đồng, 14.600 đồng và 4.300 đồng.

Tài xế công nghệ phấn khởi vì Grab tăng giá dịch vụ, phần nào bù đắp vào chi phí xăng dầu.
Tài xế công nghệ phấn khởi vì Grab tăng giá dịch vụ, phần nào bù đắp vào chi phí xăng dầu. Ảnh: QUỲNH TRANG

Doanh nghiệp này lý giải việc tăng giá nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.

Anh Nguyễn Duy (tài xế công nghệ của Grab) chia sẻ, trong khi giá xăng tăng liên tiếp nhiều lần trong những tháng qua thì giá dịch vụ của chúng tôi không thay đổi khiến lợi nhuận của tài xế giảm nhiều. Vì vậy, đợt tăng giá này là hợp lý, phần nào bù đắp vào chi phí xăng, dầu.

Hiện Gojek và BeGroup vẫn chưa chốt kế hoạch tăng giá cước phù hợp với biến động giá xăng dầu. 

Theo đại diện Gojek, hãng vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước hoặc có chương trình khuyến mãi dành riêng cho tài xế do tác động trực tiếp từ đà tăng của giá xăng dầu. Giá cước đã được xây dựng, tính toán bao gồm cả các yếu tố thay đổi của thị trường, không thể nhanh chóng điều chỉnh theo diễn tiến ngắn hạn của giá nhiên liệu. Do đó, hãng xe công nghệ cần cân đối giữa lợi ích của cả đối tác tài xế và khách hàng. Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của phía khách hàng.

Tương tự, BeGroup chưa có động thái tăng giá cước. Tuy nhiên, các app gọi xe công nghệ đang theo sát diễn biến giá xăng dầu để điều chỉnh hài hòa quyền lợi khách hàng lẫn đối tác tài xế trong thời gian tới. 

TRIỆU TÙNG - QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.