Doanh nghiệp ứng phó linh hoạt trong sản xuất

.

Để khắc phục khó khăn do số lao động mắc Covid-19 không ngừng tăng, nhiều doanh nghiệp chủ động linh hoạt điều chỉnh hoạt động để duy trì sản xuất.

Các doanh nghiệp hiện đang chủ động ứng phó linh hoạt, thích ứng với tình hình mới nhằm giữ vững sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3, quận Thanh Khê. Ảnh: KHÁNH HÒA
Các doanh nghiệp hiện đang chủ động ứng phó linh hoạt, thích ứng với tình hình mới nhằm giữ vững sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3, quận Thanh Khê. Ảnh: KHÁNH HÒA

Từ gần 1 tháng nay, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 (F0) phải nghỉ việc để cách ly, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trẩn Văn Lĩnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là khó tuyển được lao động thời vụ để bù đắp vào sự sụt giảm lớn về số lượng lao động. Trước đây, khi có nhu cầu, doanh nghiệp có thể tuyển dụng 300-400 lao động thời vụ/ngày nhưng hiện nay chỉ tuyển được khoảng 100 người/ ngày. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty bố trí dồn công nhân của một số chuyền có chức năng gần giống nhau thành một chuyền để bảo đảm sản xuất không bị ngắt quãng, gián đoạn. Công ty cũng thực hiện phương án linh hoạt trong sản xuất các đơn hàng, ưu tiên thực hiện trước các đơn hàng gấp. Đồng thời có phương án làm việc với các đối tác để giãn thời gian giao hàng trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp kéo dài.

Tương tự, với số ca nhiễm nhiều, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (đường số 2, Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) nơi có 2.400 công nhân tham gia lao động, được điều chỉnh linh hoạt theo hướng phân chia lại ca, kíp nhằm bảo đảm duy trì các dây chuyền sản xuất.

Ông Nguyễn Vũ Khoa Nguyên, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam cho biết, công ty xác định thích ứng với việc có số lượng ca F0 xuất hiện ngày càng nhiều nên tình hình sản xuất luôn giữ được sự ổn định. Để khắc phục khó khăn, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng công tác quản lý, sắp xếp nhân sự, lao động cho phù hợp. Hằng ngày, công ty đều rà soát, điều chỉnh nhân sự, số lao động trong nội bộ các bộ phận cho phù hợp với tình hình thực tế dựa trên mức độ ưu tiên sản xuất.

Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3, số ca F0 trong doanh nghiệp tăng nhiều nhưng hầu hết công nhân đã được tiêm 3 mũi vắc-xin nên khi nhiễm bệnh thì biểu hiện cũng nhẹ hơn. Công ty luôn chủ động trong việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cũng như bảo đảm các phương án để duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Điều doanh nghiệp mong muốn lúc này là cho phép lao động là F1 được đi làm bình thường vì hiện nay việc tuyển lao động rất khó khăn”, ông Chính nói.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh về tình trạng đáng lo nhất hiện nay là công nhân, nhất là lao động nữ phải chịu ảnh hưởng do các triệu chứng “hậu Covid-19” như: mất ngủ, rụng tóc… Để hỗ trợ doanh nghiệp, Ban Quản lý đã phối hợp Bệnh viện 199 và các trạm y tế lưu động tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho công nhân, trong đó có các bệnh lý “hậu Covid-19” khi người lao động đi làm trở lại.

Chủ động thích ứng linh hoạt khi số lượng ca nhiễm F0 xuất hiện ngày càng nhiều là xu hướng chung hiện nay ở các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc có phương án thích hợp trong điều chỉnh quy trình phòng, chống dịch, các doanh nghiệp và ngành chức năng còn tập trung làm tốt công tác an sinh thông qua việc bảo đảm đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe “hậu Covid-19” cho người lao động.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích