Chính phủ và thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. Đây là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, giúp người dân vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi sự đa dạng sinh thái, bảo đảm độ che phủ rừng duy trì đạt mức 47%.
Chính phủ và thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn (thứ 3, trái sang) kiểm tra tình hình trồng rừng gỗ lớn tại tiểu khu 22, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang vào đầu tháng 3-2022. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, trên địa bàn hiện có gần 17.345ha đất rừng sản xuất, trong đó có gần 2.134ha diện tích trồng chưa thành rừng. Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng trên địa bàn tăng nhưng chủ yếu cung cấp gỗ rừng nhỏ làm nguyên liệu giấy; năng suất và chất lượng rừng trồng thấp, chỉ đạt trung bình 13m3/ha/năm.
Bên cạnh đó, hiệu quả, giá trị kinh tế không cao, bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/chu kỳ (5 năm), trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thì đạt khoảng 35-40 triệu đồng/ha/chu kỳ. Ngoài ra, môi trường sinh thái cũng bị ảnh hưởng lớn với nhiều diện tích đất bị xói mòn do rừng trồng được khai thác liên tục theo các chu kỳ ngắn, độ che phủ của rừng không ổn định, môi trường sinh thái rừng thiếu bền vững…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho biết, trước thực trạng trên, UBND thành phố đã ban hành nhiều chính sách, quyết định hỗ trợ để phát triển rừng bền vững trên địa bàn như: Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 12-1-2018 về kế hoạch thực hiện “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, hay Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND thành phố về quy định “Chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019 - 2030”… Những chính sách này góp phần xây dựng mục tiêu hình thành các vùng rừng trồng gỗ lớn tập trung, tạo ra nguồn nguyên liệu từ rừng bảo đảm chất lượng, có giá trị kinh tế cao, khuyến khích hỗ trợ nhân dân thực hiện trồng mới cây gỗ lớn, tạo cơ cấu cây trồng rừng đa mục đích, đa tác dụng gắn thực hiện tái cơ cấu ngành. Đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của rừng trồng, thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, ổn định…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND, sở đã tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt “Chủ trương đầu tư dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kế hoạch năm 2021-2025 thuộc giai đoạn 2019-2030”. Đồng thời tổ chức đấu thầu qua mạng lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, đo đạc lập dự án và hồ sơ phương án hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 52 hộ gia đình và công ty trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn. Trong đó, năm 2021, có 33 hộ gia đình và công ty đăng ký tham gia chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn với tổng diện tích đo đếm xác định thực tế tại hiện trường là 292,98 ha. Từ ngày 1-1-2022 đến nay, có 19 hộ gia đình và công ty đăng ký tham gia chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn với tổng diện tích là 440,09ha. Hiện đơn vị tư vấn đang tiếp tục triển khai đo đếm tại hiện trường.
Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích trồng rừng
Cũng theo ông Lê Đình Ca, huyện Hòa Vang là địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi về sinh thái, đất đai, lao động và thị trường để phát triển kinh doanh trồng rừng gỗ lớn. Do đó, việc phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn là hướng đi phù hợp để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm môi trường sinh thái, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường rừng.
“Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết 254/2019/NQ-HĐND. Trong năm 2022, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chuyển hóa rừng nguyên liệu gỗ nhỏ sang gỗ lớn tại các xã trên địa bàn huyện”, ông Lê Đình Ca nhận định.
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, để chính sách phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố tiếp cận với người dân và bảo đảm mục tiêu đề ra, sở đã kiến nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phê duyệt dự án hỗ trợ thành nhiều đợt.
Mỗi đợt 200-300ha và tiến hành nghiệm thu lập thủ tục hỗ trợ cho người dân để từng bước rút kinh nghiệm cho các đợt sau được tốt hơn, tránh sai sót xảy ra; kiến nghị hỗ trợ lập hồ sơ, thủ tục để nghiệm thu và thực hiện hỗ trợ cho các trường hợp đăng ký nhưng tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường, phổ biến chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn đến các tổ chức hộ gia đình nắm bắt chủ trương để tham gia nhằm tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho thành phố, góp phần duy trì độ che phủ rừng đạt 47%.
Theo Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND, mức hỗ trợ trồng mới, trồng lại rừng nguyên liệu gỗ lớn là 4 triệu đồng/ha, tối thiểu 3ha đối với hộ gia đình và 10ha đối với tổ chức, cộng đồng dân cư thôn. Đồng thời phải có phương án trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn được cấp thẩm quyền phê duyệt. Phương thức hỗ trợ được cấp 2 lần, trong đó: lần 1 cấp 50% tổng số tiền hỗ trợ khi trồng rừng hoàn thành được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định; lần 2 được cấp sau khi rừng trồng đủ 5 năm. Đối với các hộ, đơn vị chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, mức hỗ trợ là 8 triệu đồng/ha.
|
VĂN HOÀNG