Chủ trương phát triển phố chuyên doanh tại Đà Nẵng hình thành gần 10 năm trước, tuy nhiên đến nay mới “nên hình nên dáng” về mức độ đầu tư và phát triển. Khác biệt với các tỉnh, thành phố khác, tuyến phố chuyên doanh của Đà Nẵng không chỉ là nơi tập hợp các hộ chuyên kinh doanh những mặt hàng cùng chủng loại mà đây còn là điểm đến du lịch hấp dẫn khách du lịch.
Phố chuyên doanh thời trang trên tuyến đường Lê Duẩn (quận Hải Châu) là một trong những tuyến đường đẹp, thu hút khách du lịch của Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Điểm nhấn hoạt động thương mại
Ngày 31-12-2014, Đà Nẵng khai trương hai tuyến phố chuyên doanh đầu tiên là phố thời trang (đường Lê Duẩn) và phố điểm tâm (đường Huỳnh Thúc Kháng). Đây là tiền đề để Đà Nẵng hướng đến mục tiêu thành lập 20 tuyến phố chuyên doanh trên khắp các quận, huyện như: phố mỹ nghệ, phố cây cảnh, phố điện máy...
Còn nhớ những năm trước 2013, 2014, nếu muốn mua những “bộ cánh” đẹp, thời trang, người ta nghĩ ngay đến phố Phan Châu Trinh, Lê Duẩn. Hầu như các cửa hàng kinh doanh thời trang “có tiếng”, những nhãn hiệu thời trang trong và ngoài nước đều chọn mặt bằng tại 1 trong 2 tuyến phố này. Nhiều người bảo rằng, dường như những con phố này có “duyên” buôn bán nên cửa hàng nào mở ra cũng có khách. Bà Liên Anh (60 tuổi, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ, bà và con gái thường qua đường Lê Duẩn mua sắm dịp cuối tuần và rất thích kiểu kinh doanh “buôn có bạn, bán có phường” như vậy. Bởi khi ghé vào một cửa hàng bất kỳ, nếu chưa chọn được bộ quần áo ưng ý, hai mẹ con sẽ đi bộ qua các cửa hàng tiếp theo mà không phải lấy xe di chuyển xa, bất tiện.
Tại Đà Nẵng, ngoài chợ hoa Tết (thường tổ chức ở đường 30 tháng 4 vào mỗi dịp Tết) thì người dân yêu hoa, cây cảnh trên địa bàn còn biết đến một phố hoa hoạt động quanh năm là phố hoa Nguyễn Đình Tựu (quận Thanh Khê). Ban đầu, những người buôn hoa, cây cảnh chọn khu đất trống trên đường Hà Huy Tập, bên cạnh UBND phường Hòa Khê làm điểm tập kết. Sau này, phố hoa được đầu tư, mở rộng tại địa điểm mới đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động; đồng thời, hình thành một thị trường cung cấp hoa, sinh vật cảnh cho khách hàng tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lân cận. Hiện, tuyến đường này tập trung khoảng 70 hộ kinh doanh. Trên địa bàn quận Thanh Khê còn có tuyến đường Hàm Nghi nổi danh là phố điện máy với 62/145 hộ (chiếm 40%) kinh doanh các ngành hàng điện tử, kỹ thuật số.
Việc xây dựng phố chuyên doanh vừa góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa giải quyết được vấn đề trật tự đô thị. Cả hai phố chuyên doanh Huỳnh Thúc Kháng và Lê Duẩn đều được hình thành trên cơ sở loại hình kinh doanh đặc trưng của các hộ kinh doanh tại hai tuyến đường này (ẩm thực và thời trang). Khác biệt rõ nhất ở đường Lê Duẩn là vỉa hè thông thoáng; hệ thống điện chiếu sáng hiện đại, đèn led chiếu sáng phần đường dành cho khách bộ hành trên vỉa hè và mặt đường giao thông; các tiện ích công cộng trên vỉa hè như: ghế ngồi nghỉ, biển chỉ dẫn, thùng rác công cộng, hệ thống đèn trang trí… được bố trí phù hợp, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách và người dân.
Bà Nguyễn Thị Vi (chủ cửa hàng thời trang Marc, đường Lê Duẩn) bày tỏ: “Cuối năm 2014, khi thành phố đưa vào hoạt động phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn (đoạn giáp đường Trần Phú đến Ông Ích Khiêm), nhiều thương hiệu thời trang đã tập trung về đây, thu hút một lượng khách tương đối. Có thể nói, phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn là một điểm nhấn cho hoạt động thương mại của thành phố”.
Nỗ lực phát triển xứng tầm
Từ năm 2015 đến 2020, Đà Nẵng đã lần lượt triển khai thực hiện 10 khu phố chuyên doanh khác và 8 phố dịch vụ du lịch, trung tâm mua sắm tại các tuyến đường: Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Hồ Xuân Hương, Hoàng Sa - Trường Sa… Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, du khách, các đơn vị lữ hành, người làm văn hóa thì một số tuyến phố chuyên doanh sau vài năm hoạt động chưa thực sự tạo dấu ấn riêng. “Nếu đi mua sắm quần áo, giày dép thì ở thành phố mình có khá nhiều lựa chọn chứ không nhất thiết phải đến đường Lê Duẩn. Chưa kể, tôi thấy hàng hóa ở đây chưa đặc sắc”, chị Hồng Trinh (30 tuổi, trú phường Nam Dương, quận Hải Châu) bày tỏ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vi cho hay, cuối năm 2014, khi thành phố đưa vào hoạt động phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn thì giá cho thuê mặt bằng trên tuyến đường này tăng vọt lên 30%, thậm chí 40%, gây khó khăn không ít cho cơ sở kinh doanh. Với mong muốn nhận được lượng khách lớn từ sức hút của tuyến phố mang lại, nhiều cửa hàng vẫn cố bám trụ để duy trì hoạt động. Đến những năm gần đây, ảnh hưởng của Covid-19 khiến tình hình kinh doanh ở tuyến phố bắt đầu đi xuống, nhiều cơ sở không thể bám trụ nổi do giá mặt bằng quá cao, phải thanh lý, bán lỗ hàng hóa để trả mặt bằng.
Vì vậy, để tuyến phố xứng đáng là tuyến phố thời trang, cần có quy định cụ thể về điều kiện tham gia của cơ sở kinh doanh trên tuyến phố, cũng như phải có chính sách hỗ trợ các cơ sở kinh doanh, nhất là trong giai đoạn điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh việc thu hút thêm các sản phẩm mang tính đặc trưng, cần có phương án trang trí hai bên tuyến phố sáng, đẹp hơn, thu hút khách du lịch đi bộ về đêm ở nơi đây, thu hút thêm một lượng khách đến tham quan, mua sắm”.
Theo khảo sát của Phòng Kinh tế (UBND quận Hải Châu), đa phần các đáp án khi được hỏi về khó khăn trong quá trình kinh doanh hiện nay của các cửa hàng đều nằm trong lựa chọn nhu cầu thị trường thấp. Trong khi đó, theo ý kiến của các hãng lữ hành trên địa bàn, chỉ có sự đặc trưng, nét khác biệt mới tạo sức hút mới cho phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn bởi khách du lịch luôn muốn tìm kiếm những sản vật đặc trưng tiêu biểu cho truyền thống văn hóa vùng miền, địa phương.
“Thành lập các tuyến phố chuyên doanh là chủ trương lớn của quận. Vì vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh, quảng bá các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn bằng nhiều hình thức, mặt khác, khuyến khích các cơ sở kinh doanh phát triển các mặt hàng thời trang hướng đến đối tượng khách du lịch - sản phẩm thời trang mang đậm yếu tố truyền thống văn hóa hay mang dấu ấn lưu niệm về Đà Nẵng - Việt Nam. Ngoài ra, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh thời trang có nhu cầu trong việc tổ chức các buổi trình diễn, sự kiện giới thiệu sản phẩm mới, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu thời trang của mình; tìm kiếm và có chính sách thu hút các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động liên quan ngành thời trang tại phố Lê Duẩn”, bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết.
QUỲNH TRANG