Gần 1 tuần nay, số người đến đăng ký làm các thủ tục về đất đai tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn tăng cao và tăng đột biến tại huyện Hòa Vang. Qua tìm hiểu, giá đất tại một số khu vực tăng lên, nhất là tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Sơn... thuộc huyện Hòa Vang đã tăng lên hơn 2 tỷ đồng/lô. Hiện tượng trên đan xen nhiều thực, ảo và ẩn chứa những rủi ro, hệ lụy. Trong ngày 7-4, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn cảnh báo các chiêu trò, tình trạng “sốt” đất ảo để trục lợi ở vùng nông thôn thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường cảnh báo người dân cần thận trọng để tránh bị thiệt hại do sốt đất ảo. TRONG ẢNH: Người dân đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả UBND huyện Hòa Vang để đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Dân tự thu mua, ôm đất đầu cơ
3 ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Hòa Vang, có rất nhiều người dân đến đăng ký làm thủ tục đất đai cho chính gia đình mình và cũng có nhiều người cầm trên tay nhiều hồ sơ đất đai, phổ biến là cầm 2-3 hồ sơ. Qua trò chuyện với người dân, chúng tôi được biết từ lâu, họ đã giới thiệu, dẫn khách đến mua đất trên địa phương mình để kiếm “hoa hồng” và gần đây đã chuyển sang mua đất để đầu cơ nhằm kiếm lời nhiều.
Bà T.T.P. (thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) nói bà làm phụ hồ, nghèo, nhưng lại giở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) của 1 lô đất rộng hơn 1.300m2 ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến ra “tham vấn” ý kiến của người bên cạnh: “Lô ni chỉ có 400m2 đất ở, bây giờ xin nâng lên thêm 700m2 đất ở nữa là được 1.100m2. Còn hơn 200m2 đất trồng cây không nâng lên đất ở được thì hiến cho Nhà nước để làm đường vào rồi phân toàn bộ đất ở ra mấy lô đất để bán. Bây giờ 1 lô đất 100m2 trong khu dân cư này đã tăng giá từ 850 triệu đồng lên 1 tỷ đồng rồi, sau này còn tăng lên nữa sẽ có lời nhiều. Bây giờ và sau này, đất ở Hòa Tiến sẽ bán rất được giá, chứ mua 1 lô đất ở Hòa Xuân (phường Hòa Xuân) có giá cao mà bán thì chỉ lời cao lắm 100-200 triệu đồng/lô mà thôi”. Nghe vậy, một người dân ở gần đó hỏi trái khoáy: “Đất Hòa Tiến có khả năng tăng lên 2 tỷ đồng/lô không mà tham đầu cơ nhiều vậy bà?”. Tức thì, bà T.T.P. chạy ra mở cốp xe máy, rút một sổ hồng của 1 lô đất ở khu tái định cư Lệ Sơn 2 và nói: “Trước đây, tôi mua lô đất này chỉ 830 triệu đồng, bây giờ đang rao bán 2,2 tỷ đồng. Ngày hôm qua, đã có người trả giá mua 2,13 tỷ đồng mà chưa bán”.
Một môi giới bất động sản ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu thấy vậy nói: “Gần đây đất ở xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Châu (huyện Hòa Vang) và cả xã Điện Tiến, Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đều tăng. Ngay ở thôn Phong Nam nơi tôi ở cũng có lô đất gần 2 tỷ đồng rồi. Bây giờ mua một thửa đất rộng của ai đó rồi nâng lên đất ở và phân ra cỡ hơn 3 lô đất, bán ngay 1-2 lô là đã có lời rồi, còn lại để đó sau này lời đậm”.
Trong khi đó, ông L.N. (trú quận Liên Chiểu) với vẻ mặt bơ phờ vì ngồi chờ đăng ký làm thủ tục đất đai từ 5 giờ 30 sáng thì tiếc rẻ: “Tôi bán rẻ 1 lô đất ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) để trả ngân hàng, rồi nghe người ta nói đất ở phía sau bến xe phía nam thành phố rất có “tương lai”, lại tăng giá nhanh nên đánh liều mua 1 lô đất ở khu tái định cư Giáng Nam 2 (xã Hòa Phước) với giá 2 tỷ đồng để bán kiếm lời. Nhưng cả tháng ni rao hoài mà chẳng có ai mua cả. Bây giờ tôi tiếc, vì đã lỡ bán lô đất ở phường Hòa Minh”. Còn ông N.T.T., một môi giới bất động sản ở xã Hòa Sơn, kể với mọi người xung quanh về các lô đất ở các khu tái định cư tại địa phương tăng giá nhanh, hiện đã có lô đất tăng lên hơn 2 tỷ đồng, mua đất đem bán lại là lời được 200-300 triệu đồng/lô.
Cảnh báo các chiêu trò gây “sốt đất”
Theo một số người môi giới bất động sản có am hiểu về thị trường, ngay sau Tết, có không ít người “bắt đáy”, thu mua các lô đất với giá rẻ ở một số khu vực của thành phố, nhất là ở khu vực tây bắc (quận Liên Chiểu), đầu tuyến Sơn Trà (phường Thọ Quang), khu vực Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), Nam Hòa Xuân (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), Khu đô thị FPT, khu vực ven biển Đông Hải và Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Thọ (phường Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) và các khu vực của huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp cùng một số nguyên nhân làm cho các lô đất vừa được thu mua khó bán ra, giao dịch chậm, thị trường có đấu hiệu chững lại.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của thành phố lại tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng nên các văn phòng công chứng không dám “ký gửi”, “ký chờ”... Đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến số lượng người đến đăng ký làm các thủ tục về đất đai ở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn tăng cao và tăng đột biến tại huyện Hòa Vang từ cuối tháng 3 đến nay.
Bà N.T.T.H. (một môi giới bất động sản) chia sẻ: “Sau Tết, giá đất và số lượng giao dịch có tăng, nhưng sau đó chững lại. Từ đầu tháng 4 đến nay, số lượng giao dịch đất đai trên thị trường ít hơn hẳn, nhưng số lượng người đăng ký thủ tục đất đai tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND các quận, huyện tăng do nhiều người đã ôm đất đi làm thủ tục sang tên cho chính mình và nhiều người thấy giá đất tăng thì đi tách thửa, nâng đất (chuyển mục đích sử dụng đất) để tìm khách bán kiếm lời. Thực tế, có không ít người đã lỡ “ôm” đất phải làm thủ tục chuyển sang tên cho chính mình, vì không có khách hàng và để hoàn thiện thủ tục vay ngân hàng nhằm trả khoản tiền đã vay “nóng” để ôm đất đầu cơ”.
Còn ông L.A., một môi giới bất động sản ở quận Ngũ Hành Sơn, nói: “Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Trước tình hình đó, hiện đang có “cá mập” thu mua đất để đánh thị trường ở khu vực phía nam thành phố Đà Nẵng và phía bắc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nơi đang triển khai nhiều dự án và quy hoạch với “mưu đồ” vực lại thị trường. Điều này sẽ gây nhiều rủi ro, hệ lụy cho người dân”.
Trong sáng 7-4, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố để cảnh báo tình trạng “sốt” đất ảo để trục lợi ở vùng nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, thời gian qua, các nhóm người có chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày trước nhằm đẩy giá đất lên cao nhằm trục lợi từ việc mua bán đất đai. Nhưng thực tế, nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều.
Những nhóm người nói trên đã trục lợi thông qua việc tự tạo cơn “sốt” đất ảo rồi rút lui, chỉ còn người mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không còn ai mua lại với giá cao như họ đã mua; thậm chí nhiều người phải chấp nhận bán lỗ do dùng tiền vay để mua đất đầu cơ bán kiếm lời, dẫn đến hậu quả là “tiền mất, tật mang”, gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân.
Trước những chiêu trò của một số nhóm người gây sốt ảo giá đất để trục lợi, Sở Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, nhất là vùng nông thôn huyện Hòa Vang cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với những chiêu trò nói trên để tránh phải chịu hậu quả không mong muốn và hệ lụy cho gia đình, xã hội.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Đà Nẵng, số tiền thu ngân sách Nhà nước từ các khoản thu về nhà, đất trong tháng 1-2022 trên địa bàn thành phố chỉ 53,37 tỷ đồng. Nhưng trong 2 tháng đầu năm 2022, các khoản thu về nhà, đất đã tăng lên 869,91 tỷ đồng, tăng 114,9% so với 2 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, số tiền thu được 3 tháng đầu năm 2022 là 1.073 tỷ đồng, tăng 72% so với quý 1 của năm 2021. Từ các số liệu thống kê trên có thể thấy, giao dịch đất đai tăng mạnh trong tháng 2-2022, ngay sau Tết và đến tháng 3-2022 thì tăng chậm lại.
|
HOÀNG HIỆP