Doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng

.

Việc mở cửa đường bay quốc tế trở lại giúp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển trạng thái tìm kiếm cơ hội, tiếp cận và hiện thực hóa các dự án đầu tư. Tại Đà Nẵng, doanh nghiệp FDI chuyển nhanh trạng thái tìm kiếm dự án đầu tư từ môi trường trực tuyến sang trực tiếp, tạo đà đẩy nhanh tiến độ phục hồi, phát triển kinh tế.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA

Những tín hiệu khả quan

Sau khi Chính phủ nối lại các đường bay quốc tế từ ngày 15-3, tại Đà Nẵng liên tục đón nhận tín hiệu vui khi các nhà đầu tư lớn từ các quốc gia như Đức, Hà Lan, Nhật Bản… đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Ngày 23-3, đoàn công tác của Công ty Brose (Đức) cùng đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đến tìm hiểu môi trường đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và tại các khu công nghiệp. Đại diện Công ty Brose cho biết, đang dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử tại Việt Nam. Công ty Brose đánh giá cao cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng với sân bay, cảng biển, logistics phục vụ các nhà đầu tư, đặc biệt là vị trí thuận lợi của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cũng như cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật phụ trợ…

Ngày 24-3, đoàn doanh nghiệp Hà Lan đến xúc tiến hợp tác tại Đà Nẵng. Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Huỳnh Liên Phương cho biết, dù khuôn khổ cuộc tiếp xúc chỉ ở mức độ gặp gỡ, giao lưu nhưng là bước ngoặt để hiện thực hóa các chương trình, dự án mà thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng, thực hiện qua việc xúc tiến đầu tư trực tuyến trong gần 2 năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Sự kiện gặp gỡ đoàn doanh nghiệp Hà Lan lần này nhằm mục tiêu kết nối và thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Lan với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố trong các lĩnh vực thương mại, quỹ đầu tư, chiếu sáng thông minh, giáo dục, tư vấn kỹ thuật về môi trường, công nghiệp, sản xuất, hàng hải, logistics, thiết kế bền vững, tư vấn kinh doanh...

Chuyển động tích cực trong thu hút đầu tư của thành phố trong quý 1-2022 và tiếp cận trực tiếp dự án của nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam). Các tập đoàn này đã báo cáo tiến độ triển khai dự án đầu tư đã nghiên cứu trong thời gian qua vào ngày 25-3.

Trước đó, Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG đã nghiên cứu về việc mở rộng đối với các đồ án quy hoạch phân khu trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như phân khu đô thị sân bay, đô thị cảng biển… Đến nay, tiến độ triển khai các dự án được đẩy nhanh, công tác nghiên cứu có các kết quả bước đầu.

Lãnh đạo Công ty Brose (Đức) làm việc với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng để tìm hiểu môi trường đầu tư vào ngày 23-3-2022.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Lãnh đạo Công ty Brose (Đức) làm việc với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng để tìm hiểu môi trường đầu tư vào ngày 23-3-2022. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Tín hiệu mới trong hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư vào thành phố là hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài có sự hỗ trợ từ hoạt động ngoại giao. Cụ thể, tại thành phố đã có sự hợp tác đầu tư từ Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam); trong đó có vai trò cầu nối của Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Yakabe Yoshinori.

Chứng kiến sự hợp tác đầu tư phát triển giữa hai doanh nghiệp, Tổng Lãnh sự Yakabe Yoshinori khẳng định, Đà Nẵng là một trong những đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Vì vậy, chính quyền Nhật Bản rất coi trọng, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư dự án cảng Liên Chiểu bởi đây là điểm xuất phát của Hành lang kinh tế Đông - Tây vốn đã được Nhật Bản tài trợ thực hiện. Tổng Lãnh sự Yakabe Yoshinori bày tỏ kỳ vọng hợp tác giữa Đà Nẵng và Tập đoàn Sumitomo sẽ thành công trong việc xây dựng hạ tầng cảng Liên Chiểu và các hạ
tầng khác.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, Tập đoàn BRG và Sumitomo đã hình thành liên doanh đầu tư phát triển đô thị với vốn đầu tư 4,2 tỷ USD và đang hướng tới việc hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, logistics. Lãnh đạo hai tập đoàn nhận định, Đà Nẵng là thành phố có tiềm năng lớn để đầu tư và quyết tâm thực hiện thành công dự án.

Sự hợp tác đầu tư phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài cũng được ghi nhận đó là sự kiện vào ngày 25-3, tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam và Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Daniel Stork chứng kiến lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng và Công ty Signify Việt Nam (thuộc Tập đoàn Signify- Hà Lan). Theo đó, hai doanh nghiệp hợp tác thực hiện các dự án chiếu sáng trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phần mềm và điều khiển hệ thống chiếu sáng thông minh. Trong đó, dự án cụ thể là thực hiện quy hoạch và triển khai dự án “Dòng sông ánh sáng” về chiếu sáng mỹ thuật trên toàn tuyến sông Hàn.

Sự hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố đánh dấu bước chuyển hướng tích cực đối với mục tiêu kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; bảo đảm độ hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và nhỏ, ưu tiên kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Bà Huỳnh Liên Phương cho rằng, việc hợp tác trên là cụ thể hóa quan điểm về thực hiện chiến lược thu hút đầu tư tại Đà Nẵng. Đó là thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư nhỏ; ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý tiên tiến.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích