Nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu

.

Hoạt động xuất khẩu của thành phố duy trì đà tăng trưởng liên tục qua từng năm, khả năng cạnh tranh của nhiều nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực được nâng lên đáng kể, góp phần giữ vững chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Từ thực tế này, các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực trong thời gian tới.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) - một trong những doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) - một trong những doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Hàng chủ lực duy trì tăng trưởng

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, giai đoạn 2016-2019 ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 6,052,8 tỷ USD, tăng bình quân 7,4%/năm; riêng năm 2020 đạt khoảng 1,569 tỷ USD giảm 3,7% so với 2019, năm 2021 đạt 1,835 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2020. Phân theo mặt hàng thì hàng hóa làm tư liệu sản xuất chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, hàng tiêu dùng chiếm khoảng 25%, còn lại là hàng hóa khác.

Trong đó, các mặt hàng chủ lực duy trì mức tăng trưởng bình quân ổn định như: cao su thành phẩm tăng 29,6%, thiết bị điện và sản phẩm điện tử 6,4%, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ 9,1%, dệt may tăng 5,9%, đồ chơi trẻ em tăng 5,4%, hải sản đông lạnh giảm 0,4%... Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng nông lâm sản.

Cụ thể, năm 2016, nhóm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 86,7%; thủy sản chiếm 12,7%; nhóm hàng nông lâm sản chiếm 0,6% thì đến năm 2020, các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lần lượt là 88% - 11,5% - 0,5%. Về thị trường, hàng hóa của doanh nghiệp Đà Nẵng đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường xuất khẩu lớn mà thành phố vẫn giữ tỷ trọng ổn định: Nhật Bản chiếm khoảng 30-35%, Hoa Kỳ: khoảng 17-20%, EU: khoảng 15-16%, Trung Quốc: khoảng 8-10%...

Báo cáo đánh giá tình hình xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 từ Sở Công Thương cho thấy, các giải pháp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần giúp hoạt động sản xuất - xuất khẩu của doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì ổn định.

Tuy vậy, giá trị và tốc độ tăng của kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn còn ở mức thấp. Việc tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường hàng hóa của doanh nghiệp thành phố chưa có sự bứt phá mạnh mẽ. Số lượng thị trường xuất khẩu của thành phố khá nhiều nhưng phần lớn trong số đó có quy mô xuất khẩu nhỏ, không thường xuyên, việc tìm kiếm thị trường mới ở mức độ thăm dò, chưa ổn định (như thị trường các nước châu Phi, Nam Mỹ, Tây Á - Trung Đông).

Giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố nhưng hoạt động sản xuất - xuất khẩu của các doanh nghiệp khối này chủ yếu là lắp ráp, gia công. Trong khi đó, hoạt động sản xuất - xuất khẩu hàng hóa của thành phố vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu, do đó giá trị gia tăng còn thấp.

Trong số 500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, chỉ có khoảng hơn 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu thường xuyên, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố (trong đó có hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu hơn 10 triệu USD/năm).

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tìm kiếm sản phẩm đặc trưng

Trên cơ sở đánh giá toàn diện về hoạt động xuất khẩu của thành phố thời gian qua, giai đoạn 2022-2023, ngành công thương tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu như: chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, tổ chức nguồn hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn; đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống thông tin, truyền thông và nâng cao hiểu biết về ưu đãi thương mại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), công tác dự báo thị trường…

Trong quý 1-2022, Sở Công Thương đã thông tin mời doanh nghiệp tham dự nhiều hoạt động như: hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Mexico 2022, hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam - EU 2022, hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam - châu Phi 2022, hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - Nam Mỹ 2022, phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, hội thảo “Xúc tiến hợp tác công - tư nhằm tối đa cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp nữ Việt Nam”, chương trình Sẵn sàng xuất khẩu (R2E) tại Đà Nẵng...

Cuối tháng 3-2022, Sở Công Thương đã tổ chức đoàn thăm và làm việc một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn để nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; các khó khăn, vướng mắc; nhu cầu đối với các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm... Đồng thời, sở lập nhóm zalo doanh nghiệp xuất nhập khẩu thành phố (https://zalo.me/g/nvuvor384) để thông tin kịp thời đến doanh nghiệp các chương trình, chính sách, quy định có liên quan cũng như hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các đối tác…

Cùng với ngành công thương, các hội, hiệp hội doanh nghiệp thành phố triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh, mở rộng sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Các hoạt động nhằm cung cấp những quy định, thông tin thương mại mới và quan trọng nhất cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đến và đi từ Việt Nam với các nội dung như: thuế quan ưu đãi theo các FTA mà Việt Nam là thành viên, quy tắc xuất xứ đối với từng mặt hàng theo các FTA khác nhau, các biện pháp phi thuế quan áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu, các luật và quy định liên quan đến thương mại và hải quan... Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới sẽ thành lập “Câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu” nhằm đưa hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp ở lĩnh vực này đi vào chiều sâu và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.