Nhiều năm nay, huyện Hòa Vang tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn, nhất là khối kinh tế tư nhân.
Huyện Hòa Vang tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn) - doanh nghiệp chuyên sản xuất tủ bảng điện và thiết bị ngành điện. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Tích cực sản xuất các sản phẩm công nghiệp địa phương
Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn) là doanh nghiệp chuyên sản xuất tủ bảng điện và thiết bị ngành điện với hơn 10 năm hoạt động. Cùng với sự nỗ lực tự thân vượt khó, doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm và các chính sách hỗ trợ từ huyện Hòa Vang, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương.
Đến nay, công ty từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, trở thành nhà cung ứng sản phẩm, thiết bị ngành điện uy tín cho nhiều đối tác trong và ngoài nước. Ông Huỳnh Ngọc Trung, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh cho biết, hiện nay, 80% thị phần kinh doanh của công ty là thị trường trong nước, 20% còn lại là ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Để đáp ứng chiến lược phát triển dài hạn, ngoài việc chú trọng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, công ty mạnh dạn đầu tư máy móc mới để nâng công suất, hiện đại hóa sản phẩm...
Hộ kinh doanh Ngô Tấn Đức (xã Hòa Tiến) là một trong những cơ sở phát triển các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Để phát triển và đổi mới sản phẩm, cơ sở đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị, trong đó có vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công năm 2021 với số tiền 200 triệu đồng đầu tư máy cắt khắc laser nhằm tạo ra những hoa văn tinh xảo trên sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ.
Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, đến cuối năm 2021, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã giải quyết việc làm cho 4.273 lao động, so với năm 2016 tăng 347 lao động. Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 12,9%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 3.015 tỷ đồng, tăng gấp 1,62 lần so với năm 2016. Trong đó, các ngành hàng có giá trị lớn gồm: sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất thép, phôi thép, sản xuất và gia công hàng may mặc.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại hộ kinh doanh Ngô Tấn Đức (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, huyện Hòa Vang triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư hạ tầng Làng đá chẻ Hòa Sơn để thực hiện bố trí sản xuất cho các hộ dân.
Địa phương còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại. Trên cơ sở thực hiện Chương trình khuyến công năm 2022 do Sở Công Thương triển khai, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã đề xuất hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho 8 đơn vị với tổng số tiền gần 6,3 tỷ đồng.
Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố nhìn nhận, huyện Hòa Vang là địa bàn trọng điểm trong việc triển khai các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương. Theo đó, chương trình tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp đầu tư đổi mới, hoàn thiện trang thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, nhiều khu, cụm công nghiệp chậm hình thành với các nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện phát triển theo hướng tập trung vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; đồng thời, địa phương tiến hành rà soát, tham mưu di dời các cơ sở ở khu dân cư vào đây. Huyện sẽ tập trung tham mưu thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, trước mắt là tham mưu đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã có quy hoạch.
Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, tính đến cuối năm 2021, toàn huyện có 1.105 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 151 cơ sở so với năm 2016. Xét về cơ cấu theo thành phần kinh tế, kinh tế ngoài Nhà nước có 1.103 cơ sở, chiếm tỷ lệ 99,8% trên tổng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp; trong đó, chủ yếu là loại hình hộ cá thể với 992 cơ sở, chiếm tỷ lệ 89,9%; tổ chức - doanh nghiệp có 111 cơ sở; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có 2 cơ sở, chiếm tỷ lệ 0,18%. Về cơ cấu theo ngành nghề chính, sản xuất đồ uống có số cơ sở nhiều nhất với 241 cơ sở, chiếm tỷ lệ 21,8%; dệt may, sản xuất trang phục có 184 cơ sở, chiếm tỷ lệ 16,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có 154 cơ sở, chiếm tỷ lệ 13,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có 110 cơ sở, chiếm tỷ lệ 9,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn có 136 cơ sở, chiếm tỷ lệ 12,3%; sản xuất giường, tủ - bàn - ghế có 128 cơ sở, chiếm 11,5%.
|
KHÁNH HÒA