Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

.

Xác định thu hút đầu tư là đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nên các sở, ban, ngành của thành phố đã và đang triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thành phố đang xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư theo hướng đổi mới, chủ động, có trọng tâm, ưu tiên các thị trường chiến lược. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Thành phố đang xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư theo hướng đổi mới, chủ động, có trọng tâm, ưu tiên các thị trường chiến lược. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Nhận diện thuận lợi, khó khăn

Ông Trương Hoàng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang) phân tích, Đà Nẵng có vị trí đắc địa khi ở gần cảng biển và sân bay quốc tế có thể giúp doanh nghiệp kết nối và vận chuyển hàng đi khắp thế giới nhanh chóng và dễ dàng. Cùng với đó, thành phố có nhiều chính sách, ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư tại Khu Công nghệ cao như: miễn tiền thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng hạ tầng, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng của Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lân cận; sự hỗ trợ và hợp tác từ chính quyền thành phố, nhất là Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN), các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đó, công ty đang xem xét để mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố tháo gỡ một số khó khăn, đó là: đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông đường bộ, đặc biệt là tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan cũng như các đường kết nối vào Khu Công nghệ cao; tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng logistics cảng biển để thuận lợi cho quá trình xuất nhập khẩu hàng cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trong tương lai; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ để tạo chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)…

Đồng quan điểm, ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết, mặc dù các tỉnh lân cận đang mở rộng các KCN nhưng Đà Nẵng vẫn là lựa chọn đầu tư của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua. Lý do là giao thông thuận lợi, môi trường sống tốt, an ninh trật tự bảo đảm, giá cả không quá cao, đặc biệt là các khu công nghiệp không quá xa trung tâm. “Đa số các chuyên gia, kỹ sư Nhật Bản khi tới Đà Nẵng tỏ ra khá hài lòng vì có nhiều dịch vụ như: ẩm thực, văn hóa để thư giãn sau giờ làm việc. Điều này khiến Đà Nẵng có lợi thế hơn hẳn so với các tỉnh, thành phố khác”, ông Ikeda Naoatsu chia sẻ.

Mặc dù có nhiều thuận lợi như trên nhưng theo ông Ikeda Naoatsu có hai vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là quỹ đất tại các khu công nghiệp không còn nhiều và nguồn nhân lực không còn dồi dào như các năm trước. Đơn cử như tại Daiwa Việt Nam, việc tuyển dụng lao động hiện nay rất khó khăn nên không đủ điều kiện để mở rộng sản xuất. Nguyên nhân có thể do sau thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành dịch vụ đang dần khôi phục trở lại nên lực lượng lao động chuyển dịch về ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, lực lượng lao động ngoại tỉnh, lân cận Đà Nẵng hiện có nhiều lựa chọn hơn khi các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… có rất nhiều KCN và đều đang mở rộng sản xuất, tuyển thêm công nhân.

Linh hoạt giải pháp

Để đồng hành doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thành phố đang duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành như: Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng; Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch xúc tiến các dự án ưu tiên đầu tư ngoài ngân sách; chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 và thành lập Tổ công tác liên ngành về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; chủ động, linh hoạt tiếp cận và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, nhằm phấn đấu xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, tập trung nguồn lực thu hút đầu tư để góp phần phục hồi nền kinh tế thành phố sau Covid-19, Ban quản lý đang xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư theo hướng đổi mới, chủ động, có trọng tâm, ưu tiên các thị trường chiến lược đối với các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao...

Cụ thể như nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư tại chỗ; hoàn thiện các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế...

Trong đó, một số nhiệm vụ nổi bật gồm: tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh (mở rộng Khu Công nghệ cao, Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung) và các KCN mới: Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Ninh, Hòa Nhơn; tăng cường chủ động tiếp xúc cấp cao với các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500), doanh nghiệp tại các nước phát triển (G7, G8, OECD…), các hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng lớn của các quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư để tập trung kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1-1 đến 15-6-2022, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 4.023 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 2.795 tỷ đồng (gấp 1,9 lần về vốn so với cùng kỳ 2021) và 8 dự án trong các KCN, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 1.228 tỷ đồng (gấp 6,5 lần so với cùng kỳ 2021). Thành phố cấp mới 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,96 triệu USD, trong đó có 33 lượt dự án FDI tăng vốn, với vốn tăng thêm 35,11 triệu USD. Đồng thời, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.257 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng; tăng 7% về số doanh nghiệp và tăng 14,5% về vốn so với cùng kỳ 2021. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 34.805 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 234.426 tỷ đồng; 350 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 131.400 tỷ đồng; 378 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư 28.665 tỷ đồng và 926 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 3,860 tỷ USD.

MAI QUẾ - THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.