Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, còn giá dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần.
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phiên đầu tuần (13-6), giá dầu tăng do nguồn cung dầu đang bị thắt chặt khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) không thể cung cấp đầy đủ sản lượng đã cam kết tăng do nhiều lí do, bao gồm nhiều nhà sản xuất thiếu năng lực mở rộng công suất khai thác, các lệnh trừng phạt đối với Nga và tình hình bất ổn ở Libya.
Tuy nhiên, một yếu tố góp phần “kìm” bớt đà tăng của giá dầu là tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường tại Trung Quốc. Mới đây, quận Triều Dương đông dân nhất của thành phố Bắc Kinh đã thông báo sẽ triển khai ba đợt xét nghiệm hàng loạt để dập tắt đợt bùng phát dịch "dữ dội" tại đây.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty tư vấn đầu tư Price Futures (Mỹ) cho biết, thị trường hiện không biết điều gì sẽ xảy ra với Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 tại nước này vẫn chưa kết thúc. Tâm trạng lúc này của giới đầu tư đang rất tồi tệ vì nhu cầu năng lượng của Trung Quốc lại đứng trước nguy cơ suy giảm.
Giá dầu quay đầu đi xuống trong hai phiên giao dịch liền sau đó, do đồng USD tiếp tục tăng giá. Thông thường, giá dầu diễn biến ngược chiều với đồng USD, bởi đồng bạc xanh mạnh lên khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm đã khiến giá dầu mất 2% trong phiên giao dịch ngày 15-6. Đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 này cũng khiến đồng USD mạnh lên, với chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002.
Giá dầu đảo chiều phục hồi trong phiên giao dịch ngày 16-6 trước khi tiếp tục “lao dốc” phiên cuối tuần. Lo ngại về việc nguồn cung có khả năng bị siết chặt hơn nữa đã giúp thị trường dầu mỏ khởi sắc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu khó có thể đáp ứng được nhu cầu trong năm tới khi các biện pháp trừng phạt siết chặt hơn buộc Nga phải đóng cửa nhiều giếng dầu và số lượng các nhà sản xuất hạn chế sản lượng ngày càng tăng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 17-6, giá dầu giảm khoảng 6% và chạm mức thấp nhất 4 tuần do lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất có thể làm trì trệ kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn lùi 6,69 USD (tương đương 5,6%) xuống 113,12 USD/thùng. Trong khi giá dầu WTI giao kỳ hạn cũng mất 8,03 USD (tương đương 6,8%) xuống còn 109,56 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 20-5-2022 và là mức chốt phiên thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 12-5-2022. Đây cũng là phiên có mức giảm mạnh nhất của dầu Brent từ đầu tháng 5 và là phiên tồi tệ nhất của dầu WTI kể từ cuối tháng 3-2022.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, còn giá dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần. Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa phiên 20-6 do nghỉ lễ Juneteenth.
Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu hiện đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát sau một thời gian dài nới lỏng chính sách do đại dịch để tránh suy thoái kinh tế.
Giá xăng và dầu diesel kỳ hạn tại Mỹ cũng giảm 4% do lo ngại giá xăng tăng vọt sẽ làm giảm nhu cầu của người dân.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã đưa vào hoạt động thêm 4 giàn khoan dầu, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden "kêu ca" các nhà sản xuất kiếm lợi từ giá cao thay vì sản xuất nhiều hơn để thúc đẩy sản lượng.
Trong khi đó, Nga dự báo kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này sẽ tăng trong năm 2022 bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và cấm vận của châu Âu.
Theo baotintuc.vn