Giá xăng, dầu tăng cao ở mức kỷ lục gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi mọi chi phí dịch vụ, giá cả hàng hóa… đều phải tăng theo.
Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt hằng ngày của người dân. TRONG ẢNH: Người dân đổ xăng tại một cây xăng trên đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu. Ảnh: THÀNH LÂN |
Người dân “thắt lưng buộc bụng”
Anh Nguyễn Tấn Châu (36 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), công nhân Khu Công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết, trước đây hai vợ chồng đi làm bằng hai xe máy (vợ làm ở Khu Công nghệ cao) nhưng từ khi xăng tăng giá và do quãng đường đi về khá xa nên phải đi chung một xe để tiết kiệm chi phí. Lương công nhân không cao nên giá xăng tăng đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của gia đình, mọi chi phí buộc phải cắt giảm tối đa, từ điện, nước đến ăn sáng, sinh hoạt hằng ngày...
Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Na (trú K90/9 Phan Thanh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê), công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh chia sẻ: “Từ ngày xăng tăng giá, tôi và bạn làm cùng xưởng đã thống nhất đi chung xe, hơi bất tiện nhưng bù lại chi phí đổ xăng giảm một nửa”.
Không chỉ có công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng mà hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ cũng đứng ngồi không yên, nhất là doanh nghiệp vận tải. Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của đa số ngành nghề. Chi phí vận tải tăng đẩy giá hàng hóa, dịch vụ vận chuyển tăng theo, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do tác động từ Covid-19.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Kim Hoàng Ngân cho biết, giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí vận tải đội lên đáng kể. Dù đã nỗ lực giữ nguyên giá cước song do giá nhiên liệu liên tiếp tăng trong hơn 2 tháng qua buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước nếu không sẽ thua lỗ. Anh Lê Văn Tư, chủ xe chạy tuyến Đà Nẵng - Nghệ An cho hay, nhà xe buộc phải tăng giá vé để bù đắp chi phí nhưng sẽ gặp khó vì người dân hạn chế việc đi lại nếu không cần thiết để tiết kiệm chi tiêu.
Theo ông Phạm Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp vận tải than khó vì giá xăng dầu tăng liên tục và một số hãng đã xin tăng giá vé 7-10% so với giá trước đây nhưng mức tăng này vẫn chưa đủ bù chi phí. Đồng thời mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp sức để doanh nghiệp vận tải vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; đồng thời cần có giải pháp dài hơi để hỗ trợ ngành vận tải duy trì hoạt động ổn định như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay...; điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu cũng như sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ bình ổn giá, thuế Bảo vệ môi trường...
Ngành bán lẻ bị ảnh hưởng
Chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) là điểm chuyên cung ứng sỉ các loại rau, củ, trái cây. Việc xăng, dầu tăng giá khiến phí vận chuyển nguyên liệu từ các vùng sản xuất đến chợ cũng tăng 20-30%. Tiểu thương Đinh Thị Xuân, bán rau, hành, lagim ở chợ cho hay, hiện cước vận chuyển cho mỗi kg rau củ tăng 800-1.000 đồng/kg; mỗi ngày, bà nhập 2,5-3 tấn hàng, chi phí “đội” lên rất lớn. Còn tiểu thương Hà Đông, bán trái cây, cho biết, giá xăng tăng đã khiến cước vận chuyển liên tục tăng từ sau Tết đến nay. Hiện, mỗi thùng hàng 10kg tăng thêm 5.000 đồng tiền vận chuyển, thùng hàng 20kg tăng 10.000 đồng.
“Việc điều chỉnh mức giá khiến buôn bán khó khăn hơn do sức tiêu thụ giảm đáng kể vì người dân thắt chặt chi tiêu nên người bán cũng không dám nhập hàng”, bà Lệ Thu, tiểu thương hàng chả, chợ Hàn nói.
Theo các nhà bán lẻ, nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc vẫn ở mức cao, các siêu thị sẽ nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá 5-7%. Tuy nhiên, giá hàng hóa không theo kịp giá xăng dầu vì nếu tăng quá cao, sản phẩm khó tiêu thụ. Vì vậy, doanh nghiệp phải linh hoạt sử dụng các biện pháp để bình ổn thị trường như: giảm bớt lợi nhuận và khâu trung gian, qua đó giữ giá bán sản phẩm ở mức chấp nhận được để kiềm chế lạm phát.
Ghi nhận tại các chợ, cửa hàng vào sáng 14-6, giá cả nhiều loại thực phẩm, gia vị tăng cao so với trước. Đặc biệt, giá dầu ăn các loại tăng khoảng 25-30% so với đầu năm nay và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá 1 chai dầu Neptune loại 1 lít chỉ 50.000 đồng/chai nhưng hiện có giá 60.000-65.000 đồng/chai, dầu Cái Lân từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/1 lít, dầu Tường An từ 45.000 đồng/lít lên 55.000 - 60.000 đồng/lít. Tương tự, các loại nước mắm, bột ngọt, mì ăn liền… cũng tăng khoảng 15-20% so với đầu năm nay. Trứng gà tăng 40% so với đầu năm 2022, gạo tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại.
Khi hàng hóa thiết lập mặt bằng giá mới, các dịch vụ cũng tăng theo. Theo đó, một số quán cơm bình dân, cơm văn phòng đã tăng giá lên 5.000-10.000 đồng/suất, ở mức 25.000 - 40.000 đồng/suất, kể cả các quán ăn bán online vì giá vận chuyển tăng. Không chỉ người dân đắn đo khi chi tiêu mà cả người kinh doanh cũng rất đau đầu. Chị Hồ Thị Thu Giang, chủ tiệm bánh ngọt Giang’s cake (phường An Khê, quận Thanh Khê) cho hay, trứng và dầu ăn là nguyên liệu chính để làm bánh ngọt nên từ khi giá các loại thực phẩm trên tăng mạnh, cửa hàng cũng phải tăng giá 10.000-20.000 đồng/bánh so với đầu năm 2022 tùy theo loại bánh và kích thước...
Trước tình hình giá cả có khả năng còn tăng mạnh trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có những giải pháp tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế phục hồi nhanh hơn, qua đó thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp ổn định đời sống dân sinh...
THÀNH LÂN - QUỲNH TRANG - MAI QUẾ