Giữa tháng 6 vừa qua, quận Hải Châu tổ chức ra mắt hai “Tuyến phố thanh toán không tiền mặt năm 2022” gồm Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trứ nhằm khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng các hình thức thanh toán tiện lợi, hiện đại khi mua sắm, giao dịch...
Khách hàng trải nghiệm hình thức thanh toán dịch vụ không tiền mặt tại tuyến phố Nguyễn Văn Linh - phố mua sắm không dùng tiền mặt của quận Hải Châu. Ảnh: DIỆP NHƯ |
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Phan Thị Thắng Lợi cho biết, hướng tới thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, quận Hải Châu đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (ví MoMo), Ngân hàng Thương mại cổ phần quân đội (MB Bank) triển khai chương trình mua sắm không tiền mặt tại 2 tuyến phố kinh doanh trên địa bàn quận.
Bước đầu, việc thí điểm diễn ra tại các công ty, đơn vị, cơ sở, hộ kinh doanh thuộc các ngành hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, viễn thông... Theo đó, người dân và cơ sở kinh doanh được tham gia trải nghiệm trực tiếp chương trình ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Qua ghi nhận thực tế trên hai tuyến phố này cho thấy, khách hàng cũng như các cơ sở kinh doanh khá hào hứng khi sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt. Chị Nguyễn Thị Thu Hường, nhân viên Cửa hàng thời trang NEM Fashion (tuyến đường Nguyễn Văn Linh) bày tỏ: “Trước đây, đa số người dân khi đến mua sắm thường dùng tiền mặt để trả cho món hàng mình mua, bởi thói quen dùng tiền mặt đã phổ biến. Thế nhưng, hiện nay, xu hướng quẹt thẻ, quét mã QR hay chuyển khoản được sử dụng nhiều hơn, đặc biệt là việc đưa vào hoạt động tuyến phố thanh toán không tiền mặt được người dân, du khách hưởng ứng tích cực. Tôi cho rằng, hình thức thanh toán không tiền mặt sẽ giúp hướng đến tiêu dùng ngày càng văn minh, hiện đại hơn”.
Còn tại quán cà phê De Ante (nằm trên tuyến đường Trần Văn Trứ), hằng ngày có rất đông khách hàng đến giải trí và thưởng thức đồ uống. Anh Lê Chí (35 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin) chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại hoặc thẻ, vì nó tiện lợi hơn so với việc dùng tiền mặt. Mỗi khi tiêu dùng mà nhận lại tiền thừa cất vào ví khá bất tiện, nhất là khi di chuyển đến nhiều nơi mà phải cầm nhiều tiền mặt cũng không an toàn”.
Theo tìm hiểu, hiện nay, các đơn vị triển khai dịch vụ đã giới thiệu, hướng dẫn các quy trình thanh toán và sử dụng trên thiết bị điện tử cho các đơn vị, cơ sở kinh doanh tại hai tuyến phố nói trên. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị chuyển đổi số tiếp cận, áp dụng hiệu quả các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đến các đối tác và người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc MB Bank chi nhánh Đà Nẵng thông tin, đến thời điểm này đã có khoảng 200.000 người dân Đà Nẵng mở tài khoản qua ứng dụng của ngân hàng. “Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục mở các mã thanh toán và tài khoản cho người dân trên hai tuyến phố không sử dụng tiền mặt là Nguyễn Văn Linh và Trần Văn Trứ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai tại một số quận, huyện khác nhằm góp phần thúc đẩy chương trình thanh toán không tiền mặt trên địa bàn thành phố”, ông Đông nói.
Mục tiêu của quận Hải Châu là sẽ có trên 80% các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên hai tuyến phố đều tham gia sử dụng thanh toán thông qua các thiết bị điện tử thay vì tiền mặt. “Việc ra mắt hai tuyến phố không tiền mặt nhằm khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch thanh toán. Giải pháp này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách cũng như người dân khi tham gia giao dịch tại đây. Đồng thời tạo cơ hội cho người dân được trải nghiệm và tận hưởng các chính sách ưu đãi từ các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ, từ đó xây dựng thói quen sử dụng thanh toán không tiền mặt, góp phần thực hiện các mục tiêu về xây dựng xã hội số, kinh tế số của quận Hải Châu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung”, bà Trần Thị Thắng Lợi cho hay.
DIỆP NHƯ