Theo thống kê mới đây từ Bộ Công Thương, hàng Việt chiếm tỷ lệ hơn 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm 60-96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm 60% trở lên.
Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen chỉ rõ, sau Covid-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Trong năm 2022, với vai trò trọng trách được giao, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; đồng thời tập trung tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, khảo sát; xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
QUỲNH TRANG