Phát triển du lịch sinh thái, xây dựng điểm đến xanh

.

Huyện Hòa Vang, vùng nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp để thu hút đầu tư, khai thác các loại hình du lịch này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến xanh.

Khu vực xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp. Ảnh: XUÂN SƠN
Khu vực xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp. Ảnh: XUÂN SƠN

Bài 1: Khai thác tiềm năng, lợi thế

Bên cạnh du lịch biển, Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp... Các loại hình du lịch ở vùng nông thôn đang nhận được sự quan tâm của người dân và du khách.

Từ hơn 20 năm trước

Từ cách đây hơn 20 năm, vào năm 1999, tuyến đường công vụ lên đỉnh Bà Nà (xã Hòa Ninh) được khôi phục, mở ra hướng phát triển du lịch ở phía tây huyện Hòa Vang. Đặc biệt, sau khi đi vào hoạt động từ năm 2009, Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ (Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills) trở thành điểm đến thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế với hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng, đẳng cấp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng. 

Từ lâu, tại khu vực suối Đôi, ngầm Đôi thuộc xã Hòa Phú đã thu hút nhiều người dân thành phố đến vui chơi, trải nghiệm. Cách đây 25 năm, Khu du lịch sinh thái Suối Hoa được đưa vào khai thác (ngày 29-3-1997), thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhưng phải đến khi có sự đầu tư với quy mô lớn từ các doanh nghiệp, tại địa phương này mới bắt đầu hình thành các sản phẩm du lịch chuyên biệt, bài bản về du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm như: Khu du lịch Hòa Phú Thành (2013), Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài (2016), Khu du lịch sinh thái Lái Thiêu (2017)... Đi dọc tuyến ĐT.602, quốc lộ 14G..., dẫn đến các khu du lịch nói trên, dễ dàng nhận ra sự đổi thay của các làng quê với nhiều ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên cùng nhiều quán ăn, giải khát, cửa hàng lưu niệm và cả những chiếc bàn nhỏ bày bán sản vật địa phương. Sự phát triển về du lịch đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của những địa phương này và góp phần cùng với thành phố đón 8,68 triệu lượt khách trong năm 2019 (3,52 triệu lượt khách quốc tế, 5,16 triệu lượt khách nội địa), trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Cùng với các xã Hòa Ninh và Hòa Phú, xã Hòa Bắc cũng có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch sinh thái, cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan (hệ thống đường bộ không thuận lợi, thời tiết, chưa có tuyến đường thủy nội địa trên sông Cu Đê...) nên các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp ở xã Hòa Bắc vẫn còn là tiềm năng.

Tiềm năng du lịch sinh thái ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) là rất lớn, trong đó có khu vực hồ Hòa Trung. Ảnh: H.H
Tiềm năng du lịch sinh thái ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) là rất lớn, trong đó có khu vực hồ Hòa Trung. Ảnh: H.H

Xu hướng du lịch sinh thái, cộng đồng

Việc triển khai đề án “Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ tu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang” (thuộc chương trình các dự án nhỏ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ) được triển khai tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) trong 2 năm 2017 và 2018 với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, đã mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương.

Theo đó, tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí đã thành lập 8 nhóm phục vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gồm: cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh với sự tham gia của 62 hộ dân. Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí được thiết lập bài bản dựa trên sự hỗ trợ của các chuyên gia và kinh nghiệm, học tập tại miền Tây Bắc nước ta. Du khách sẽ thưởng thức ẩm thực, trekking, tắm thác, xem biểu diễn cồng chiêng, trải nghiệm dệt thổ cẩm và đan lát cùng 31 hoạt động hằng ngày của đồng bào Cơtu...

Từ kiến thức học được và trên cơ sở kết quả bước đầu của đề án nói trên, vào năm 2018, ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc bàn bạc với vợ con tận dụng ngôi nhà gỗ 3 gian truyền thống của gia đình ở thôn Giàn Bí để làm du lịch cộng đồng.

Ông Như tổ chức cho khách ăn uống, nghỉ trưa tại nhà sau khi tham quan, khám phá cuộc sống, các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơtu tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Vùng quê bình yên dần trở nên rộn ràng bởi nhiều du khách đến tham quan, du lịch. Mỗi lần có đoàn khách đến, ông Như huy động chị em đồng bào Cơtu ở 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang hái rau rừng, tham gia nấu ăn... rồi trả thù lao.

Ngày 24-6-2018, kết quả thực hiện đề án nói trên được trình bày tại một hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 tổ chức tại Đà Nẵng. Tại hội thảo này, ông Đinh Văn Như phấn khởi nói: “Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và GEF (UNDP/GEF SGP) đã giúp người Cơtu biết phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng”. Nhằm giữ chân khách nghỉ lại qua đêm, kéo dài thời gian để thưởng lãm, trải nghiệm nhiều hơn phong cảnh, thiên nhiên, văn hóa Cơtu, cuối năm 2018, ông Như mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư mô hình du lịch cắm trại, lưu trú, ăn uống có tên gọi là “homestay A Lăng Như” trên khu đất vườn có diện tích 800m2 ở tiếp giáp đất nhà ở, trong đó, lắp dựng một nhà ở 2 tầng với diện tích 150m2 được lắp ghép với kết cấu sườn bằng sắt, vách gỗ; tầng 1 làm nơi kinh doanh ăn uống, tầng 2 để khách lưu trú. Homestay A Lăng Như được đưa vào hoạt động trong năm 2019. Theo UBND huyện Hòa Vang, khu homestay này nằm trong chủ trương phát triển du lịch cộng đồng được UBND thành phố thống nhất tại Công văn số 6599/UBND-SDL ngày 30-9-2019 theo đề xuất của UBND huyện Hòa Vang về việc thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng người Cơtu tại xã Hòa Bắc.

Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I (một công ty tiên phong khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái) đánh giá, xã Hòa Bắc có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên. Có thể hình thành các sản phẩm tour du lịch khác nhau như đi bộ trong rừng, cắm trại hay các tour tắm suối Hòa Bắc, khám phá văn hóa Cơtu (trong 1 ngày); về nguồn Hòa Bắc, khám phá Cơtu (2 ngày 1 đêm); trekking Hòa Bắc (1 ngày)… Điều đặc biệt của các tour này được xây dựng gắn bó với văn hóa của người địa phương. Du khách có thể đi trekking cùng người bản địa, thưởng thức các món ăn của người Cơtu như: cá nướng, cơm lam, gà nướng, rau rừng, nghỉ lại tại homestay...

Tại xã Hòa Nhơn, được sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành và UBND huyện Hòa Vang, các doanh nghiệp, nhóm du lịch cộng đồng cùng việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn của Quỹ Saemul Hàn Quốc tại Việt Nam vào ngày 29-5-2022, UBND xã Hòa Nhơn đã tổ chức khai trương, đưa vào  hoạt động làng du lịch cộng đồng Thái Lai (thôn Thái Lai). Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Trần Văn Thu phấn khởi nói: “Với nhiều lợi thế, thôn Thái Lai đã trở thành điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và có tiềm năng phát triển thành một cụm du lịch văn hóa, lịch sử, làng quê. Nơi đây được chọn xây dựng, phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với cụm làng quê Thái Lai - Túy Loan (xã Hòa Phong)”.

Khởi nghiệp với du lịch nhà vườn, nông trại
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, sau tác động của Covid-19, xu hướng du lịch theo đoàn có số lượng đông khách giảm, thay vào đó là xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, nông thôn, văn hóa cộng đồng... “Nhu cầu, thị hiếu của du khách về du lịch đã thay đổi, hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch đang tăng cao. Người lao động trong lĩnh vực du lịch có thể vừa làm cho các cơ sở du lịch lớn, vừa có thể khởi nghiệp với những sản phẩm du lịch nhỏ, nhất là các sản du lịch nhà vườn, nông trại (farm). Hiện nay, du khách tìm kiếm sản phẩm du lịch farm rất nhiều, nhất là các xã ở phía tây thành phố, mà nhiều người cũng về các địa phương nói trên để làm các farm, khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch”, ông Cao Trí Dũng nói. 

HOÀNG HIỆP - THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.