Thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

.

Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2025, thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4 tỷ USD. Thành phố cần làm gì để đạt được mục tiêu này? 

Thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI.  Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tại Đà Nẵng đang sản xuất sản phẩm xuất khẩu thị trường nước ngoài. Ảnh: THÀNH LÂN
Thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tại Đà Nẵng đang sản xuất sản phẩm xuất khẩu thị trường nước ngoài. Ảnh: THÀNH LÂN

6 nhóm giải pháp

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, thành phố xác định rõ về quan điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030: đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, chuyển hoạt động thu hút đầu tư từ bị động sang chủ động, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài; thu hút dự án đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với bảo đảm quốc phòng - an ninh... 

Để triển khai thực hiện mục tiêu đề ra, ngày 17-1-2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND với 6 nhóm giải pháp gồm: cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư; cơ sở hạ tầng, đô thị; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Trên cơ sở các nhóm giải pháp, một số nhiệm vụ được đề ra như: nghiên cứu tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; đề xuất cho phép Đà Nẵng áp dụng toàn bộ cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21-8-2020 đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia...

Theo Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Huỳnh Liên Phương, thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng về giao thông, nhà ga, sân bay, cảng biển theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn liền với triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm.

Cụ thể, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics; đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành ga hàng hóa tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng; thực hiện khơi thông vũng quay tàu để nâng trọng tải tàu trên 20.000 DWT vào cảng Tiên Sa; ưu tiên xây dựng cảng cạn tại quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang... Đây là những phần việc trọng tâm nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Trong kế hoạch thực hiện, UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị trên cơ sở nhiệm vụ được giao triển khai sửa đổi quy trình chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện ngoài các khu công nghiệp...

Đồng thời rà soát điều chỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đặc biệt, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón đầu dòng vốn dịch chuyển...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Quốc Hùng cho biết, sắp tới tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, sở sẽ tham mưu UBND thành phố công bố danh mục quỹ đất phục vụ kêu gọi thu hút đầu tư với số lượng 34 khu đất. Thành phố đã lập nhiều tổ công tác, liên hệ với cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án lớn trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND thành phố đang triển khai rà soát quỹ đất công, tổ chức thành 2 nhóm gồm: nhà đất công và các khu đất trống, đất sạch. Đối với việc rà soát các khu đất trống, đất sạch, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ban, ngành liên quan ưu tiên đề xuất các khu đất trống để phục vụ đấu giá, thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI.  trong ảnh: Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thiện hạ tầng và đang kêu gọi thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường.Ảnh: THÀNH LÂN
Thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI. TRONG ẢNH: Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thiện hạ tầng và đang kêu gọi thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Ảnh: THÀNH LÂN

Ưu tiên thu hút dự án công nghệ hiện đại

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016-2020, làn sóng đầu tư vào thành phố có sự phát triển. Các dự án cấp mới trong giai đoạn này tập trung vào các lĩnh vực: dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao... theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động... góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Lũy kế đến ngày 15-4-2022, trên địa bàn thành phố có 350 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 131.400 tỷ đồng; 378 dự án đầu tư trong nước trong các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư 28.624 tỷ đồng và 920 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 3,929 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình thu hút đầu tư có chiều hướng chững lại. Trước những khó khăn chung của thị trường, ngày 1-3-2022, UBND thành phố đã có Quyết định số 593/QĐ-UBND ban hành chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau Covid-19 như: chuyển đổi, đẩy mạnh hình thức quảng bá thu hút đầu tư từ trực tiếp sang trực tuyến; tiếp tục đẩy mạnh thu hút làn sóng đầu tư từ các thị trường đầu tư truyền thống và tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ...; có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; ưu tiên thu hút vốn đầu tư FDI vào các ngành nghề đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư theo định hướng của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố.

Trong đó, Đà Nẵng tiếp tục xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao. Đáng chú ý, thành phố tập trung kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực phục vụ công tác xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Đặc biệt, thành phố tận dụng các mối quan hệ và chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến đầu tư; xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, chào đón các thị trường tiềm năng mới; tập trung đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư về cơ chế, hạ tầng, nhân lực; duy trì việc cải thiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn đọng về đầu tư của thành phố...

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, thời gian đến, ban sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp như: tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường...; đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng; coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước; khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính và công nghệ từ người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực R&D, công nghệ thông tin, công nghệ cao...

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.