Phòng bệnh cho thủy sản nước ngọt mùa nắng nóng

.

Nhiệt độ trong ao, hồ chênh lệch do thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản nước ngọt. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp thành phố cùng nông dân tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh, giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhiều người nuôi tôm tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) sử dụng quạt nước để giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước trong ao nuôi, tăng hàm lượng ôxy cho tôm sinh trưởng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhiều người nuôi tôm tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) sử dụng quạt nước để giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước trong ao nuôi, tăng hàm lượng ôxy cho tôm sinh trưởng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tháng 3-2022, khoảng 4,2ha diện tích nuôi tôm của các hộ dân tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) có hiện tượng tôm chết sau thời gian thả từ 17-58 ngày tuổi, trong đó, nhiều ao có tỷ lệ tôm chết từ 80-100%. Theo kết quả xét nghiệm, tôm nuôi tại các hộ này nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, khả năng do chất lượng nguồn giống ban đầu chưa được kiểm soát chặt chẽ (kiểm dịch, xét nghiệm bệnh) kết hợp với mầm bệnh nguy hiểm lưu hành trong môi trường nước khi xử lý, cải tạo ao và thả giống trước thời gian khuyến cáo.

Với tổng diện tích nuôi tôm gần 4ha, anh Mai Phước Chín (thôn Trường Định, xã Hòa Liên) cho hay, trong vụ nuôi tôm chính (từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch) vừa qua, tôm nuôi công nghiệp trong 2 ao (diện tích 7.000m2) của anh sinh trưởng kém. Đa số tôm bị hồng thân, ảnh hưởng đến sự phát triển, thậm chí gây chết hàng loạt. Để hạn chế thiệt hại, anh đã cách ly ao tôm bị nhiễm bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh lây lan. Đối với những ao nuôi còn lại, anh Chín xuất bán sớm khoảng 3 tấn tôm với giá 80.000 đồng/kg và thu về 240 triệu đồng, hòa vốn sau khi trừ các chi phí.

Trước khi bắt đầu sản xuất vụ thứ hai, anh Chín tập trung xử lý, vệ sinh ao sạch; đồng thời sử dụng nguồn nước giếng riêng để nuôi. Đợt này, anh thả khoảng 600.000 con tôm giống. Nếu tôm sinh trưởng tốt và không gặp các vấn đề về dịch bệnh, thiên tai, dự kiến, anh sẽ thu hoạch khoảng 6 tấn tôm với tổng doanh thu (chưa trừ các chi phí) là hơn 700 triệu đồng. “Vào mùa này, tôi tăng cường sử dụng quạt nước cả ngày lẫn đêm để giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước trong ao nuôi và tăng hàm lượng ôxy cho tôm sinh trưởng. Trong quá trình nuôi, tôi còn bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho tôm”, anh Chín chia sẻ.

Còn tại vùng nuôi cá nước ngọt thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong), bà Trần Thị Xuân vừa thả khoảng 3.000 con cá diêu hồng và trắm cỏ trong 2 ao với diện tích 2.500m2. Được biết, 2 ao cá này đều có độ sâu khoảng 2,5m, sâu hơn khuyến cáo 0,5m để bảo đảm mực nước nuôi cá được ổn định trong mùa hè. Theo bà Xuân, việc cải tạo ao, hồ trước khi nuôi rất quan trọng nhằm bảo đảm cho cá sinh trưởng tốt và hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, sức đề kháng của cá và chất lượng môi trường nước trong ao cũng là yếu tố mà người nuôi cần quan tâm.

“Tôi thường khử trùng ao rất kỹ và thay nước từ 2-3 lần mới thả cá nuôi. Các đợt trước, tỷ lệ cá hao hụt trong quá trình nuôi rất ít. Chúng tôi cũng được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các đơn vị khuyến cáo thả cá theo mật độ phù hợp và tăng cường dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất trong quá trình nuôi. Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, mỗi ngày, tôi thường ra ao kiểm tra 2 lần để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra”, bà Xuân cho biết.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, trước những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, người nuôi thủy sản trên địa bàn đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó, bảo đảm sự phát triển, sinh trưởng ổn định của các loài nuôi. Cụ thể như: đào ao sâu khoảng 2,5m, trồng cây xung quanh ao nuôi để tạo bóng râm, thường xuyên bơm nước vào ao để bảo đảm mực nước tối thiểu khi nước bốc hơi khi nắng nóng kéo dài…

Ông Đặng Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp thành phố cho hay, để kiểm soát và tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, đặc biệt là tôm nuôi, đơn vị đã có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Liên phối hợp tuyên truyền các hộ nuôi sử dụng con giống thả nuôi có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng; phơi và cải tạo ao kỹ trước khi thả giống theo đúng quy trình kỹ thuật.

Đồng thời hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các hộ nuôi như: kiểm soát chặt chẽ, loại bỏ vật chủ trung gian truyền bệnh vào ao nuôi; xử lý diệt khuẩn nước ao nuôi bằng các loại thuốc đã được khuyến cáo; rải vôi quanh bờ ao, phần mái bên trong của ao nuôi; trộn men tiêu hóa, vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên kiểm tra, thăm ao để có biện pháp xử lý kịp thời nếu đàn thủy sản nuôi bất thường…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Lưu Quang Khánh thông tin, tính đến cuối tháng 5-2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố là 225ha, trong đó: diện tích nuôi cá nước ngọt ước đạt 189ha; diện tích nuôi tôm ước đạt 36ha. Trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 622 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thực hiện cảnh báo của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III về thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến tình hình trồng thủy sản, chi cục đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, phường, xã chủ động theo dõi và cảnh báo cho các hộ nuôi đề phòng tác động xấu do thời tiết nắng nóng gây ra; khuyến cáo đến các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn...; qua đó bảo đảm sự sinh trưởng và phát triển của các loài nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.

VĂN HOÀNG - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.