Nông dân quận Hải Châu tích cực thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp trên không gian đô thị, tạo ra nhiều khởi sắc và đạt hiệu quả cao. Mô hình này đang được các cấp hội nông dân trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng.
Anh Ngô Đại Nghĩa chăm sóc dưa lưới trên sân thượng. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Anh Ngô Đại Nghĩa, hội viên Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), làm mô hình sản xuất nông nghiệp trên không gian đô thị kể từ năm 2016. Từ tìm hiểu kiến thức trên internet và nghiên cứu thực tế ở nhiều nơi, anh Nghĩa đã đầu tư hơn 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống thiết bị trồng rau thủy canh kết hợp làm giàn lưới trên sân thượng rộng 250m2 của ngôi nhà 4 tầng.
Trên khắp sân thượng đều có hệ thống tưới nước tự động, tắt mở nước theo quy trình của từng loại rau. Trong khi đó, hệ thống trồng rau thủy canh được sử dụng chế độ nước hồi lưu: Dùng máy bơm bơm nước, nước từ từ chảy qua từng bậc ống nhựa, rồi trở về bồn chứa. Tại bồn chứa, phân nước hữu cơ được pha chế theo công thức: 1 lít phân nước hữu cơ hòa với 500 lít nước và bơm liên tục hằng ngày, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho rau đậu phát triển.
Anh Nghĩa vừa chăm sóc rau xà lách, vừa chia sẻ: Mình tra hạt xà lách giống vào trong kệ xốp, sau 2 ngày hạt sẽ nảy mầm. 10 ngày sau, mầm phát triển thành cây có 2 lá, rễ bám vào miếng xốp. Mình đem cây ấy đặt vào trong rọ nhựa và đặt rọ nhựa vào các lổ trên giàn ống thủy canh. Mỗi lứa, anh Nghĩa trồng 1.320 cây xà lách và nhiều loại rau đậu khác.
Xà lách trồng 60 ngày là có thu hoạch, mỗi 1kg (từ 10-12 cây) hiện có giá bán 80.000 đồng. Các sản phẩm, anh đều bán qua mạng và có nhân viên giao hàng tận nhà. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, hằng ngày chỉ tốn 2 lao động cùng với 1 nhân viên giao hàng. Anh Nghĩa canh tác theo hướng hữu cơ và đạt hiệu quả cao, sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cựu chiến binh Phạm Thanh Long, 65 tuổi, hội viên Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, đến với nghề làm vườn như một thú vui tuổi già. Rời quân ngũ trở về đời thường (năm 2015), ông Long tận dụng khu đất trống gần nhà để trồng rau đậu các loại, vừa có thu nhập cho gia đình, vừa góp phần gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đến năm 2018, khi khu đất trống ấy đã được xây dựng công trình, ông Long chuyển lên canh tác trên sân thượng. Hằng năm, ông trồng nhiều loại rau đậu như xà lách, cải xanh, rau muống, tần ô, mướp, khổ qua, dưa leo. Những loại rau đậu, ông Long trồng bên dưới, còn phía trên trồng các loại cây bò giàn như bí, bầu, mướp, mồng tơi, khổ qua. Các loại rau đậu thường trồng khoảng 60 ngày là thu hoạch, sản phẩm không chỉ có bán mà ông Long còn thường xuyên cho, tặng bà con, hàng xóm, bạn bè.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hồng Nam, 47 tuổi, ở phường Thanh Bình, dành tâm sức cho niềm đam mê trồng hoa phong lan. Từ năm 2019, anh lần lượt đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng mái tôn trên sân thượng, mua chậu các loại và lắp đặt đồng bộ hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Anh trồng lan kín cả sân thượng với nhiều kích cỡ khác nhau.
Vốn là kỹ sư kinh tế, anh Nam tập trung trồng 3 giống lan kiếm có giá trị cao (lan Phan Trí, lan Vị Hoàng, lan Xanh Huế) và chú trọng chăm bón bằng các loại phân hữu cơ. “Trồng lan rất công phu và nhất thiết phải có sự say mê, tâm huyết, đồng thời phải thành thạo kỹ thuật và bảo đảm nguồn đầu ra”, anh Nam chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nông dân quận Hải Châu Hoàng Minh Trinh, từ mô hình đầu tiên về sản xuất nông nghiệp trên không gian đô thị của anh Ngô Đại Nghĩa, các cấp hội nông dân trên địa bàn quận tích cực tuyên truyền nhân rộng. Đến nay, toàn quận đã có hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp trên không gian đô thị với các quy mô khác nhau.
Từ thực tế phát triển nông nghiệp đô thị, Hội Nông dân quận Hải Châu đã triển khai kế hoạch thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp tại các phường chưa có Hội Nông dân với chỉ tiêu mỗi phường thành lập từ 1-3 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Theo kế hoạch, chi hội nông dân nghề nghiệp có từ 15 thành viên trở lên và tổ hội nông dân nghề nghiệp từ 5 thành viên trở lên; năm 2022 tiến hành thí điểm tại 2 phường, đến năm 2023 thành lập ở tất cả các phường chưa có Hội Nông dân.
“Tham gia mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, hội viên nông dân được các cơ quan chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, giống, được tham gia các lớp tập huấn định hướng sản xuất, kinh doanh và hằng năm được hướng dẫn đăng ký thực hiện sản phẩm OCOP”, ông Hoàng Minh Trinh nhấn mạnh.
LÊ VĂN THƠM