Nghiên cứu, triển khai thành công việc “Ứng dụng công nghệ giám sát trực tuyến và triển khai số hóa hồ sơ phục vụ công tác quản lý, đảm bảo an toàn cần trục tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” sẽ giúp việc vận hành cần trục tháp hiệu quả và an toàn hơn, giúp chủ đầu tư công trình cùng các cơ quan chức năng có phương tiện theo dõi, giám sát, hướng dẫn, bảo đảm an toàn theo quy định.
Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện đề tài nghiên cứu của Sở Xây dựng diễn ra vào ngày 31-8-2022. Ảnh: Đ.L.H |
Hiện nay, việc lắp đặt, sử dụng cần trục tháp phục vụ thi công công trình xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng được thực hiện theo Quyết định số 4944/QĐ-UBND ngày 8-7-2015 của UBND thành phố Đà Nẵng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác giám sát việc thực hiện của các đơn vị quản lý, sử dụng cần trục tháp, đặc biệt là công tác giám sát trực tuyến, để kịp thời phát hiện, yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ theo hồ sơ được lập và các quy định hiện hành.
Góp ý, hoàn thiện hơn nội dung đề tài nghiên cứu
Nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo đảm an toàn cần trục tháp tại các công trình xây dựng, nhóm nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học công nghệ thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng đã đề xuất xem xét, nghiên cứu triển khai “Ứng dụng công nghệ giám sát trực tuyến và triển khai số hóa hồ sơ phục vụ công tác quản lý, đảm bảo an toàn cần trục tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, thu thập thông tin các công trình xây dựng có sử dụng cần trục tháp phục vụ thi công, đề tài này sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các chủ đầu tư công trình tổ chức lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác giám sát trực tuyến việc quản lý vận hành cần trục tháp, chia sẻ địa chỉ đường truyền tín hiệu camera đến các cơ quan có thẩm quyền để có phương tiện theo dõi, hướng dẫn, kịp thời chấn chỉnh trong trường hợp có dấu hiệu không bảo đảm an toàn theo quy định.
Song song đó là thực hiện số hóa dữ liệu lưu trữ, đây là hình thức chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản giấy thông thường thành dữ liệu dạng tín hiệu số được máy tính hiểu và lưu trữ.
Cuối cùng là ứng dụng phần mềm mã nguồn mở GIS để xây dựng khung dữ liệu hệ thống camera giám sát và hồ sơ được số hóa đầy đủ, hoàn chỉnh với khả năng lưu trữ, quản lý và khai thác, được thiết kế để cập nhật liên tục theo tình hình lắp đặt, sử dụng cần trục tháp phục vụ thi công công trình trên địa bàn thành phố và bảo đảm tính dễ nâng cấp khi mở rộng quy mô cơ sở dữ liệu.
Sau khi hoàn thành nội dung, triển khai thí điểm việc lắp đặt camera giám sát trực tuyến và số hóa hồ sơ phục vụ công tác quản lý, bảo đảm an toàn cần trục tháp tại một số công trình, ngày 31-8-2022, Sở Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện đề tài. Tham dự hội thảo có đại diện các Sở: Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh & Xã hội, Thông tin và Truyền thông; đại diện UBND các quận, huyện; các chủ đầu tư công trình xây dựng có lắp đặt, sử dụng cần trục tháp phục vụ thi công trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, nhóm thực hiện đề tài kiến nghị phân nhóm công trình có lắp đặt, sử dụng cần trục tháp để có thứ tự ưu tiên trong việc triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát trực tuyến và số hóa hồ sơ thành 3 nhóm theo tiêu chí cụ thể; đồng thời kiến nghị những thông số kỹ thuật tối thiểu của hệ thống camera giám sát lắp đặt tại công trình.
Đại diện các đơn vị đã tích cực tham gia góp ý, hoàn thiện hơn nội dung đề tài nghiên cứu, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi khi ứng dụng vào thực tế.
Ứng dụng mang lại nhiều tiện ích
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý, theo dõi, giám sát trực tuyến công tác vận hành cần trục tháp tại công trình; đồng thời triển khai số hóa hồ sơ phục vụ công tác quản lý, nâng cao việc phối hợp giữa Sở Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở, đôn đốc, khắc phục những thiếu sót, bảo đảm an toàn cho người, máy móc thiết bị, công trình đang thi công và các công trình lân cận, tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.
Cũng theo ông Trần Văn Hoàng, công nghệ GIS nói chung và công cụ WebGIS nói riêng là một công nghệ ứng dụng các tiến bộ khoa học máy tính, giúp định vị vị trí xây dựng công trình, quản lý thông tin mô tả của công trình trên bản đồ, cũng như cung cấp, chia sẻ địa chỉ đường truyền tín hiệu camera, kèm theo thành phần hồ sơ được số hóa để tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát trực tuyến.
Việc ứng dụng công nghệ này trong công tác quản lý chất lượng xây dựng nói chung và quản lý an toàn cần trục tháp nói riêng là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng, không những góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả quản lý và điều hành của các cơ quan Nhà nước mà còn hỗ trợ cho chính hoạt động của các đơn vị thi công, chủ đầu tư, giám sát tại từng công trình.
Nhờ đó, các đơn vị hoạt động xây dựng dù không có mặt trực tiếp tại công trình nhưng vẫn có thể giám sát mọi hoạt động thi công, thực hiện việc kiểm tra, trích xuất lại hình ảnh, thông tin ở bất kỳ đâu vào bất cứ thời điểm nào một cách nhanh chóng, dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân tích, tổng hợp, báo cáo.
Sau khi được phê duyệt, triển khai rộng rãi, Sở Xây dựng sẽ tham mưu ban hành hướng dẫn thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát trực tuyến và số hóa hồ sơ vận hành cần trục tháp; xây dựng quy chế phối hợp cụ thể với các sở, ban, ngành, đơn vị hoạt động xây dựng, thực hiện phân cấp, quy định thẩm quyền đăng nhập và truy xuất hình ảnh, thông tin trong hệ thống giám sát trực tuyến và số hóa hồ sơ cần trục tháp tại các công trình xây dựng, trong đó lưu ý bảo mật chặt chẽ hình ảnh, thông tin của công trình và các đơn vị liên quan.
Trong thời gian đến, nhóm nghiên cứu, thực hiện đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tích hợp hệ thống cảnh báo tự động đối với những nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành cần trục tháp phục vụ thi công công trình để cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và các bên liên quan kịp thời phát hiện, can thiệp và ngăn chặn.
ĐỖ LAN HƯƠNG