Khắc phục khó khăn, duy trì đà tăng trưởng

.

11 tháng của năm 2022, Đà Nẵng nỗ lực thực hiện những giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế, qua đó đạt được kết quả tương đối tích cực. Thời điểm này, các sở, ban, ngành cũng như các địa phương tiếp tục phấn đấu để nhiệm vụ năm 2022 đạt kết quả tốt nhất.

Kinh tế thành phố 11 tháng năm 2022 duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: M.Q
Kinh tế thành phố 11 tháng năm 2022 duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: M.Q

Tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của lạm phát trên thế giới cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng… nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố vẫn duy trì được đà tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Chỉ số IIP tháng 11-2022 ước tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 0,2% so với tháng cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 11 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Một số nhóm ngành đạt mức tăng trưởng khá trong 11 tháng, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải kể đến: sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 43,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 27,2%...

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ ghi nhận đà tăng trưởng tích cực. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 100.635 tỷ đồng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 60.132 tỷ đồng, chiếm 59,8% tổng mức và tăng 16,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 16.746 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng mức và tăng 81,3%; du lịch lữ hành và hỗ trợ du lịch đạt 2.012 tỷ đồng, chiếm 2% và gấp 9,7 lần cùng kỳ; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 21.745 tỷ đồng, chiếm 21,6% và tăng 166,1%. Tổng doanh thu toàn ngành vận tải, bưu chính và chuyển phát 11 tháng ước đạt 20.702 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ.

Biến động kinh tế - xã hội trên thế giới gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố thời gian qua. Cán cân thương mại trong tháng 10 và tháng 11 có chiều hướng thâm hụt. Tuy nhiên, tổng chung 11 tháng năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn vẫn duy trì ở trạng thái xuất siêu, là tiền đề, động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 17,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 24,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu ở mức 403,3 triệu USD.

Khách hàng mua sắm ở siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Khách hàng mua sắm ở siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế

Thông tin từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, trong tháng 11, Ban quản lý cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án trong nước với vốn đăng ký đầu tư 39 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 2 dự án trong nước tại Khu Công nghệ cao có vốn đăng ký đầu tư 1.144 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 20 dự án được cấp mới; trong đó 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký đầu tư 65 triệu USD, 17 dự án trong nước có vốn đăng ký đầu tư gần 2.780 tỷ đồng.

Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Nguyễn Công Tiến cho biết, đơn vị đang phối hợp các bên liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ các cụm, khu công nghiệp cũng như các giải pháp thu hút đầu tư theo đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, đẩy nhanh việc hoàn tất công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2; hoàn thiện thủ tục theo quy định để làm cơ sở triển khai lựa chọn nhà đầu tư KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Nhơn. Trên cơ sở hoàn thiện hạ tầng đáp ứng nguồn quỹ đất phục vụ cho ngành công nghiệp, công nghệ cao, Ban quản lý tiếp tục phối hợp các chủ đầu tư khu công nghiệp đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các thị trường trọng điểm, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời, triển khai công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiện hữu mở rộng dự án tại các KCN trên địa bàn thành phố.

Về lĩnh vực thương mại, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá, các hoạt động thương mại nội địa diễn ra sôi động, thu hút một lượng lớn khách nội địa, người tiêu dùng đến Đà Nẵng tham quan và mua sắm.

Thành phố đã ban hành đề án nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022-2025, trên cơ sở đó triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá, các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong năm 2022.

Đến thời điểm này, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp thương mại chủ động tổ chức dự trữ hàng hoá, ưu tiên hàng Việt Nam, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao, khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, hoa tươi, cây cảnh, hàng thủ công mỹ nghệ… và các mặt hàng đặc sản truyền thống trong và ngoài thành phố; bảo đảm dự trữ hàng hóa có chất lượng, đa dạng về mẫu mã, phong phú về hình thức, chủng loại đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán sắp đến.

Thu ngân sách tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố cho hay, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 20-11 đạt 21.253 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 5.991 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 15.262 tỷ đồng. Trong tổng thu ngân sách Nhà nước, hoạt động thu nội địa chiếm 79,4% trong tổng thu và tiếp tục duy trì mức tăng 2 con số, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt 16.868,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn được duy trì ổn định và đạt những kết quả tích cực. Trong 11 tháng năm 2022, khoản thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt 4.165 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 21.343 tỷ đồng, bằng 84,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, cân đối thu, chi ngân sách tới thời điểm này theo đúng kế hoạch. Ngành tài chính tiếp tục rà soát dư địa thu ngân sách, đặc biệt là triển khai các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu thuế.

MAI QUẾ - QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.