Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam”.
Thông báo nêu: Những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm qua, du lịch Việt Nam là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi Covid-19. Từ tháng 3-2022, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa được như kỳ vọng, mới đạt khoảng 70% so với kế hoạch đề ra. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa, cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm để từng bước phục hồi ngành du lịch sau Covid-19, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Quan điểm, nhận thức chung về phát triển du lịch là phát triển du lịch cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng dịch vụ theo tinh thần “cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ là các dịch vụ chúng ta sẵn có”.
Riêng việc sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh; Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp và triển khai áp dụng thị thực điện tử tại các cửa khẩu quốc tế; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực để tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh.
N.P