Dù đã có những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, nhưng qua thực tiễn thực thi pháp luật về đất đai tại thành phố cũng gặp những khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung... Trong đó, cần quan tâm giải quyết một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhằm kiến tạo phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho thành phố cũng như giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Thành phố đề nghị bổ sung đất khu công nghệ cao vào nội dung phân loại đất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trúng đấu giá quyền khai thác đất hai năm nhưng chưa khai thác được
Tháng 11-2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa hai mỏ đất tại huyện Hòa Vang có tổng diện tích 20ha, trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 1,8 triệu m3 đất ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản với giá khởi điểm 3,6 tỷ đồng. Theo đó, có hai doanh nghiệp trúng đấu giá với số tiền cao gấp 15 lần giá khởi điểm, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép thăm dò khoáng sản nhưng hai đơn vị trúng đấu giá vẫn chưa tự thỏa thuận được việc bồi thường về đất đai đối với những người dân đang sử dụng đất tại khu vực mỏ để đưa mỏ vào khai thác.
Trước vướng mắc này, trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chi cục Quản lý đất đai thành phố đề nghị cần đưa đất ở khu vực mỏ khai thác khoáng sản vào diện Nhà nước thu hồi đất vì đã quy định rõ là diện tích đất này không đấu giá.
Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thành phố Nguyễn Tri Thọ cho biết : “Đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải tự đi thỏa thuận với người dân đang sử dụng đất tại khu vực mỏ để khai thác khoáng sản là rất bất cập. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ được cấp phép khai thác khoáng sản có thời hạn nhất định, mà phải tự đi thỏa thuận với người dân thì mất thời gian lâu và cũng không chắc chắn được người dân có thống nhất hay không. Vì thế, Nhà nước cần thu hồi diện tích đất khai thác khoáng sản”.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quang Vinh cho biết đã trực tiếp đề nghị Bộ TN&MT tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nói trên để sớm đưa hai mỏ đất vào khai thác, đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp cho các công trình, dự án đang và sắp triển khai trên địa bàn thành phố.
“Đà Nẵng đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng hiện nay không đưa vào khai thác khoáng sản được do đơn vị trúng đấu giá không thỏa thuận được với người dân (đang sử dụng đất). Trong khi đó, nếu chờ sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 thì nhanh nhất cũng phải đến giữa năm 2024 mới triển khai được. Xem như trong thời gian từ nay đến thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì thành phố gần như bế tắc về nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình, dự án. Do đó, Bộ TN&MT cần có văn bản hướng dẫn tạm thời cho phép địa phương thực hiện đền bù giải tỏa hoặc có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nói trên”, ông Nguyễn Quang Vinh đề nghị.
Cần quy định rõ chế độ sử dụng đất của căn hộ du lịch (condotel), căn hộ dịch vụ, căn hộ khách sạn... cũng như thời hạn sử dụng để giải quyết khối lượng lớn về cấp sổ hồng cho loại hình này. TRONG ẢNH: Khu vực phát triển mạnh về các loại hình căn hộ du lịch, căn hộ khách sạn tại quận Sơn Trà. Ảnh: H.H |
Đề nghị phân loại đất khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin
Hiện nay, thành phố có Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố gặp lúng túng khi thống kê loại đất khu công nghệ cao và đất khu công nghệ thông tin.
Sở TN&MT đã đề nghị Bộ TN&MT bổ sung phân loại đất khu công nghệ cao, đất khu công nghệ thông tin và bổ sung quy định về cho thuê đất đối với đất khu công nghệ thông tin, khu kinh tế vì đã được quy định về cho thuê đất khu công nghệ cao.
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa có nội dung phân loại đất khu công nghệ cao và đất khu công nghệ thông tin nên cần bổ sung nội dung hai loại đất này vào Điều 10 (phân loại đất) của dự thảo”, ông Nguyễn Tri Thọ kiến nghị.
Ông Bùi Văn Hưng, Trưởng phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố ) cho rằng, trong thực tiễn công tác đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) thời gian qua, nhiều công dân gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, nhiều công dân đã được cấp sổ hồng cho đất, mà chưa chứng nhận quyền sở hữu nhà trên đất thì khi chuyển dịch (chuyển nhượng) gặp vướng vì không công chứng được nhà. Rồi khi cấp đổi, cấp lại lại sổ hồng cho công dân, việc xem xét bổ sung nhà ở cho người mua cũng gặp vướng vì Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 đều chưa có quy định. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung quy định về vấn đề trên vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi cho đồng bộ quy định góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho đồng bộ với Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng như điều kiện cụ thể được góp vốn này và cần có quy định hạn chế việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất thêm bên thứ ba. Ngoài ra, cũng cần quy định cụ thể về loại đất vườn, ao vì rất nhiều trường hợp ở trung tâm thành phố, không có đất vườn, ao. Đồng thời, cần quy định rõ chế độ sử dụng đất của căn hộ du lịch (condotel), căn hộ dịch vụ, căn hộ khách sạn... cũng như thời hạn sử dụng để giải quyết khối lượng lớn hồ sơ cấp sổ hồng cho loại hình này.
Hiện nay, Sở TN&MT đang lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai...
Sở cũng lấy ý kiến về các nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn với quy định của các luật khác; những nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện tại thành phố Đà Nẵng... để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố nhằm hoàn thiện báo cáo của thành phố gửi ra Bộ TN&MT .
HOÀNG HIỆP