Thị trường bất động sản Đà Nẵng phục hồi từ đầu năm 2022, nhưng từ quý 4-2022 đến nay, số lượng giao dịch về nhà đất trên địa bàn sụt giảm rõ rệt so với trước đó. Vì vậy cần sự quan tâm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tính pháp lý và nguồn vốn tín dụng.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn tại một số dự án BĐS để khơi thông nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Vướng từ quy định pháp luật và vốn
Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Nguyễn Đức Lập cho rằng, thị trường mua bán, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng bởi sự đứt gãy dòng tín dụng trên thị trường và lãi vay tăng cao. Tính từ thời điểm thị trường BĐS Đà Nẵng đạt đỉnh mốc giá giao dịch vào tháng 6-2022 đến nay, phân khúc chủ lực là đất nền ở các khu vực phía nam và phía tây thành phố giá đã giảm 20-30%, số lượng giao dịch “nhỏ giọt”, gần như đóng băng.
Các dự án căn hộ thương mại đưa ra thị trường với giá quanh mức 25 triệu đồng/m2 sàn hay giá căn hộ nhà ở xã hội quanh mức 16 triệu đồng/m2 sàn, nhưng mức độ hấp thụ và quan tâm trên thị trường rất kém. Ngoài lãi suất cho vay tăng cao, nguyên nhân khác là thu nhập của các đối tượng có nhu cầu thật, cấp thiết về chỗ ở hiện nay là không có đủ điều kiện tài chính để mua hoặc vay bổ sung vốn để mua nhà đất. Những khó khăn đó khiến cho hàng loạt các sàn BĐS trên địa bàn thành phố phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động...
“Thị trường BĐS đang gặp khó khăn do việc tắc nghẽn vốn và lãi suất cho vay cao. Chỉ khi nào xử lý căn cơ các vấn đề trái phiếu doanh nghiệp để khơi thông nguồn vốn, áp lực lạm phát giảm tạo tiền đề đưa lãi vay về mức hợp lý sẽ giúp thị trường BĐS phục hồi. Số lượng giao dịch mua, bán nhà, đất sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp của Nhà nước đối với thị trường BĐS. Đà Nẵng có nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của thị trường du lịch để phát triển kinh tế - xã hội và giúp các sản phẩm ở phân khúc BĐS du lịch phục hồi.
Các loại BĐS tạo dòng tiền “ăn theo” du lịch như: nhà hàng, khách sạn, mặt bằng cho thuê, căn hộ lưu trú... sẽ có cơ hội phục hồi và tăng giá trở lại. Thị trường BĐS cho thuê sẽ phát triển nhộn nhịp hơn trong bối cảnh thị trường mua, bán ảm đạm. Nguồn cung mới BĐS sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do vấn đề pháp lý và nhiều thay đổi trong chính sách pháp luật cũng như quy hoạch”, ông Nguyễn Đức Lập nhận định.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển của Công ty CP DKRA Group cho rằng, thị trường BĐS năm 2023, trong đó có Đà Nẵng, sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Việc giảm giá có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian đến trên thị trường thứ cấp, nhất là đối với những nhà đầu tư có vay ngân hàng đang gặp khó khăn về tài chính.
Hiện các vướng mắc, khó khăn của thị trường BĐS chưa được tháo gỡ khiến thị trường trầm lắng. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn về tài chính. Với lãi suất cho vay đang cao như hiện nay (12-14%/năm) và thanh khoản thị trường BĐS đang sụt giảm mạnh, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS sẽ khó có hiệu quả.
Tạo điều kiện khơi thông nguồn lực các dự án bất động sản
Theo Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn thành phố có 75 dự án đầu tư khu đô thị, nhà ở thương mại đang triển khai với khoảng 67.035 căn nhà, căn hộ, trong đó có 48 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư; có 4 dự án đang được thành phố kêu gọi đầu tư, 23 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.
Hiện nay, hầu hết các dự án BĐS đang triển khai chậm hoặc dừng triển khai vì gặp các khó khăn, vướng mắc... Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, thành phố đã quan tâm, chỉ đạo, giải quyết và đề nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đặc biệt, UBND thành phố đã rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, bản án đã có hiệu lực pháp luật và báo cáo Thanh tra Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng như đề nghị Trung ương quan tâm, sớm có chỉ đạo để xử lý vướng mắc nói trên.
Một dự án BĐS ở quận Liên Chiểu chậm triển khai vì vướng mắc về thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, cần sớm tháo gỡ để chủ đầu tư triển khai xây dựng. Ảnh: H.H |
UBND thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung quy định chuyển tiếp để tiếp tục cho phép chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở đối với các khu vực còn lại của các dự án khu đô thị (đã được phê duyệt khu vực được chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ đối với phần lớn diện tích đất của dự án) để đồng bộ toàn dự án, tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư.
UBND thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, có chính sách điều tiết linh hoạt, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng; ưu tiên cấp tín dụng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người mua nhà ở xã hội nhằm giải quyết chính sách an sinh xã hội.
Với sự quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS của Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương, ông Võ Hồng Thắng nhận định, thị trường bất động sản sẽ có những khởi sắc nhất định vào năm 2024 khi các nút thắt về pháp lý cho các dự án BĐS dần được tháo dỡ; Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua và có hiệu lực...
Đầu năm 2022, thị trường bất động sản thành phố đã phục hồi, số lượng giao dịch bất động sản trong quý 1, 2 và 3 của năm 2022 tăng ổn định so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số lượng giao dịch bất động sản năm 2022 là 14.754 lượt, tăng 16% so với năm 2021. Tuy nhiên, từ quý 4-2022 đến nay, số lượng giao dịch sụt giảm rõ rệt. (Nguồn: Sở Xây dựng) |
HOÀNG HIỆP