Trong điều kiện quỹ đất tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố còn hạn chế, việc rà soát, xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, chưa triển khai cũng như đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu công nghiệp mới để tạo đất sản xuất cho doanh nghiệp đang được ngành chức năng quan tâm.
Sản xuất tại Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Tăng giám sát tình hình sử dụng đất
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, hiện thành phố có 6 khu công nghiệp (KCN), 1 khu công nghệ cao, 1 khu công nghệ thông tin tập trung và 1 cụm công nghiệp mở rộng. Trong đó, Khu Công nghệ cao có tổng diện tích quy hoạch 1.128,4ha, diện tích có thể cho thuê 329,96ha; tỷ lệ lấp đầy chung là 42,31%; trong đó khu sản xuất lấp đầy 58,17%. 6 KCN hiện hữu có tỷ lệ lấp đầy 86,89%, trong đó 4 KCN đã lấp đầy 100% (KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh, KCN Dịch vụ thủy sản, KCN Hòa Khánh mở rộng), KCN Hòa Cầm tỷ lệ lấp đầy 87,27% và KCN Liên Chiểu tỷ lệ lấp đầy 56,14%; diện tích còn lại là 90,4ha.
Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố liên tục chỉ đạo rà soát quỹ đất tại các KCN và tiến hành các thủ tục thu hồi đất theo quy định đối với các dự án chậm triển khai hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm kho bãi… để ưu tiên bố trí cho các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu mặt bằng sản xuất.
Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, các dự án đầu tư được cấp phép trong Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN được thực hiện chặt chẽ công tác giám sát đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư. Qua đó, yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ đầu tư theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp. Đồng thời, các nhà đầu tư phải có báo cáo đánh giá đầu tư định kỳ gửi về ban quản lý theo quy định. Đối với những dự án chậm triển khai, ban quản lý có văn bản đề nghị nhà đầu tư khẩn trương đưa dự án đi vào hoạt động. Trường hợp nhà đầu tư chây ì không đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ thì thực hiện thủ tục thu hồi dự án theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
“Chúng tôi vừa ban hành và triển khai Chương trình số 325/CTr-BQL ngày 23-2-2023 giám sát tình hình sử dụng đất các dự án tại Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN trên địa bàn. Trong đó, mục đích là tổ chức giám sát tình hình triển khai dự án, tình hình thực tế sử dụng đất các dự án; thông qua việc giám sát đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất; hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ có liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. Thời gian giám sát từ ngày 27-2 đến khi hoàn thành công tác”, ông Hùng thông tin.
Đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu công nghiệp mới
Theo định hướng phát triển các KCN thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, ngành công thương triển khai đầu tư hình thành 4 KCN theo quy hoạch đã phê duyệt gồm: KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và bổ sung vào quy hoạch 11 KCN mới. Tổng diện tích 5 KCN mới dự kiến khoảng 1.227,58ha. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu. Đồng thời, chủ trương chuyển đổi KCN Đà Nẵng thành khu trung tâm thương mại An Đồn. Điều chỉnh quy hoạch KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng theo hướng kết hợp giữa chế biến thủy sản, thương mại dịch vụ hậu cần và logistics; chuyển đổi KCN Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình KCN sinh thái. Trên cơ sở thực tiễn áp dụng tại KCN Hòa Khánh, nghiên cứu ứng dụng cho KCN Hòa Khánh mở rộng và KCN Hòa Cầm giai đoạn 1 trong điều kiện nguồn lực cho phép.
Đến nay, Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng KCN và công nghệ cao đã hoàn thành dự toán lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng công nghệ cao (phần diện tích mở rộng dự án Khu Công nghệ cao). Sở Xây dựng đã phê duyệt dự toán chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch; UBND thành phố đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hạng mục lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu và đang tổ chức lấy ý kiến các đơn vị và cộng đồng dân cư về nhiệm vụ quy hoạch.
Đối với đề án mở rộng KCN, do chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình mở rộng Khu Công nghệ cao nên để có cơ sở phê duyệt đề án, UBND thành phố đã có công văn lấy ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ thủ tục triển khai đề án mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đối với KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao, ban quản lý đang triển khai thủ tục pháp lý để sớm đưa vào hoạt động, cung cấp quỹ đất đến các nhà đầu tư dự án.
Đối với Khu Công nghệ thông tin tập trung, đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1; chủ đầu tư đang triển khai thi công khu nhà máy sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử, khu chuyên gia và công viên sinh thái. Giai đoạn 2, UBND thành phố đề nghị Công ty CP phát triển Khu Công nghệ thông tin phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với các KCN mới: KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), hiện UBND thành phố có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp theo quy định pháp luật. Đối với KCN Hòa Ninh, theo ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở NN&PTNT đã có báo cáo gửi UBND thành phố kết quả rà soát 3 loại rừng trên địa bàn thành phố, làm cơ sở báo cáo Bộ NN&PTNT. Tại KCN Hòa Nhơn, theo chủ trương của UBND thành phố, thống nhất ranh giới chia tách và quy mô KCN Hòa Nhơn giảm còn khoảng 237ha... Trong định hướng phát triển cụm công nghiệp (CCN) của ngành công thương, thời gian tới sẽ bổ sung quy hoạch 9 CNN mới trên địa bàn huyện Hòa Vang với tổng diện tích 587ha.
QUỲNH TRANG