Ngày 13-3 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo "Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam" ấn bản tháng 3-2023. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.
Quang cảnh lễ công bố. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Với tiêu đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng”, ấn phẩm kỳ này đưa ra các khuyến nghị cải cách để khai thác tiềm năng của khu vực dịch vụ. Theo đó, ghi nhận kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016 - 2019. Điều này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch Covid-19 và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên, đóng góp của khu vực công vào tăng trưởng còn hạn chế do việc triển khai các chương trình đầu tư công còn yếu kém. Trong khi việc làm phục hồi về mức trước Covid -19 vào năm 2022, nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã dẫn đến tình trạng các đơn đặt hàng và xuất khẩu chậm lại trong quý IV/2022, đồng thời gây ra áp lực mới lên thị trường lao động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình là 3,1%. Lĩnh vực tài chính của Việt Nam chịu nhiều áp lực hơn trong năm 2022, trong khi cán cân tài khóa ước tính thặng dư.
Tuy nhiên, sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3%. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động cơ bản là thấp từ hậu Covid -19 đang giảm dần. Động lực tăng trưởng chính sẽ là nhu cầu trong nước, có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023. Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nền kinh tế dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện một phần Chương trình hỗ trợ kinh tế 2022 - 2023. Một chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa, sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.
Ngành dịch vụ đã trở thành ngành lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, tăng từ 40,7% GDP năm 2010 lên 44,6% GDP năm 2019. Tỷ trọng việc làm của ngành đã tăng từ 29,6% năm 2010 lên 35,3% năm 2019. Là nguồn việc làm lớn nhất, ngành này đã hấp thụ một phần đáng kể lao động từ ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, năng suất lao động và hiệu quả việc làm của ngành dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác. Mặc dù đã tăng 34,3% trong giai đoạn 2011 - 2019, năng suất lao động ngành dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Đơn cử, năng suất lao động ngành dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) là 5.000 USD (USD không đổi) trên mỗi lao động vào năm 2019, vẫn thấp hơn nhiều so với các nước so sánh, bao gồm Malaysia (20.900 USD), Philippines (9.300 USD), và Indonesia (7.300 USD).
Theo bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, trong tương lai, nếu được tận dụng hợp lý, các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng năng suất bền vững của Việt Nam và đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Tất cả các nền kinh tế có thu nhập cao đều có khu vực dịch vụ lớn mang lại nguồn việc làm và giá trị gia tăng lớn nhất. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, hạn chế đối với thương mại dịch vụ, khả năng ứng dụng công nghệ thấp và ít liên kết liên ngành ảnh hưởng đến năng suất của ngành dịch vụ.
Để có thể khai thác tiềm năng tăng trưởng của ngành dịch vụ, theo đại diện WB cần có những cải cách chính sách để khai phá tiềm năng của khu vực này nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Các hành động ưu bao gồm: Xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, tập trung vào các dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là lĩnh vực chế tạo chế biến...
Theo Baotintuc.vn