Điểm sáng trong kết nối hạ tầng giao thông liên vùng

.

Những năm gần đây, Đà Nẵng đã và đang dành nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải; qua đó, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, đồng thời phát triển thành đô thị trung tâm của các tỉnh miền Trung.

Hạ tầng giao thông thành phố ngày càng được đầu tư nâng cấp đồng bộ và hiện đại. Ảnh: T.L
Hạ tầng giao thông thành phố ngày càng được đầu tư nâng cấp đồng bộ và hiện đại. Ảnh: T.L

Hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng

Với vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cửa ngõ ra biển của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Đà Nẵng đã tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường giao thông nội thị, vừa phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng. Bên cạnh các tuyến đường trọng điểm đang được đầu tư kết nối với cao tốc Bắc - Nam, hạ tầng giao thông đô thị được quy hoạch bài bản và hiện đại.

Tính riêng năm 2022, Đà Nẵng đầu tư hơn 1.529 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông. Về hàng không, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước. Hiện thành phố đã khôi phục 23 đường bay (15 đường bay quốc tế, 8 đường bay nội địa), tổng số chuyến bay trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 20.000 chuyến, với hơn 3,17 triệu lượt khách; trong đó ước đạt hơn 12.200 chuyến bay nội địa với hơn 1,98 triệu lượt khách; hơn 7.700 chuyến bay quốc tế với hơn 1,18 triệu lượt khách.

Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của Đà Nẵng đã tương đối hoàn chỉnh. Tính đến ngày 31-12-2022, trên địa bàn thành phố có 2.694 tuyến đường với tổng chiều dài 1.554,401km; trong đó cao tốc 37,965km; quốc lộ 120,989km; đường tỉnh 68,713km; đường đô thị 1.171,994km; đường huyện, xã 110,74km và chuyên dùng 43,996km (chưa tính đường kiệt, hẻm và đường giao thông nông thôn) và 75 cầu dài trên 25m. Riêng tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Mawlamyine (Myanmar), dài 1.450km đi qua 4 quốc gia đã tạo điều kiện tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. 

Theo Sở Giao thông vận tải, về kết nối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng cơ bản đã hình thành hướng tuyến. Chiều dài của đoạn tuyến chạy qua địa phận Đà Nẵng khoảng gần 50km, đóng vai trò tuyến trục Bắc-Nam kết nối Đà Nẵng với các tỉnh ở khu vực miền Trung như Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Ngoài mạng lưới cao tốc, Đà Nẵng có 119,27km quốc lộ chạy qua, gồm tuyến đường đèo Hải Vân đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng với chiều dài khoảng 11km.

Cùng với đó, quốc lộ 14B đóng vai trò chính trong việc kết nối vào cảng Tiên Sa với quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam.  Đồng thời, từ đường cao tốc hoặc quốc lộ 1A có thể tiếp cận tới sân bay thông qua hai trục chính đô thị gồm trục Bà Nà - Suối Mơ, đường Hoàng Văn Thái, Điện Biên Phủ và Nguyễn Tri Phương và  trục quốc lộ 14B và đường Nguyễn Hữu Thọ. Bên cạnh đó, là hệ thống mạng lưới đường sắt quốc gia chạy theo hướng Bắc - Nam, kết nối các thành phố lớn ở Việt Nam dọc theo đường bờ biển…

Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung, đến nay, Đà Nẵng sở hữu 5 loại hình giao thông trọng yếu, bao gồm đường không, đường bộ, đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa. Nhiều công trình giao thông nổi bật đã trở thành biểu tượng, thể hiện sự phát triển năng động của thành phố. Từ nay tới 2025, chính quyền thành phố tiếp tục xác định phân bổ nguồn lực ưu tiên cho hạ tầng giao thông, xác định hạ tầng giao thông là khâu đột phá trong phát triển.

Thời gian tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14B, (đoạn qua Đà Nẵng); dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan, (đoạn 11km Hòa Liên - Túy Loan); nâng cấp nhà ga hành khách T1 cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; đề xuất các bộ, ngành chức năng ưu tiên đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 14G, 14D… Sắp tới, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư 1.203 tỷ đồng xây đường ven biển nối cảng Liên Chiểu với chiều dài khoảng 2,95km, bao gồm nhánh ra nút giao cuối tuyến dài khoảng 700m, mặt cắt ngang 30m, quy mô 6 làn xe, nhằm tạo điều kiện cho vận tải độc lập, thúc đẩy giao thương hàng hóa của thành phố với các vùng khác trên cả nước cũng như trong khu vực và thế giới.

Đối với hàng không, Sân bay quốc tế Đà Nẵng được đề xuất nâng cấp, mở rộng để đến năm 2030 đạt công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm. Dự kiến, đến năm 2050, sân bay Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm và 200.000-300.000 tấn hàng hóa/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thành phố ngày càng hoàn thiện nhằm tạo chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung và trung chuyển quốc tế.

Hiện nay, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai cập nhật quy hoạch hạ tầng giao thông vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt và đang triển khai lập và trình phê duyệt đồ án Quy hoạch chuyên ngành giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án Đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung); hoàn thiện các thủ tục để khởi công tuyến đường kết nối cảng Liên Chiểu với quốc lộ 1A phía nam hầm Hải Vân. Ngoài ra, ngành phối hợp đôn đốc các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường Vành đai phía phía tây (đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh); đường Vành đai phía tây 2…; hoàn thành công tác thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Trung tâm logistics Hòa Nhơn…

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.