Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc đã bắt đầu đi vào hoạt động trong lúc căng thẳng vẫn tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên.
THAAD có khả năng đánh chặn, phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ảnh: Reuters |
Ngày 2-5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyung xác nhận THAAD đang được vận hành ở nước ông có thể chống lại tên lửa từ CHDCND Triều Tiên. Ông Gyung không nói rõ khi nào THAAD được vận hành hoàn toàn. Song, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, việc triển khai THAAD dự kiến hoàn tất sớm nhất vào tháng 6 tới.
Hệ thống THAAD của Mỹ được đặt tại thị trấn Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, cách thủ đô Seoul 300km về phía đông nam. THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar, bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. THAAD có khả năng đánh chặn, phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của quá trình bay.
Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, THAAD rất quan trọng trong việc đối phó với vũ khí tiên tiến của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định không loại bỏ hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng nhưng cũng bất ngờ tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu các điều kiện cho phép. “Nếu điều kiện phù hợp, đương nhiên tôi sẽ gặp ông ấy (ông Kim Jong-un). Tôi lấy làm vinh dự về điều đó”, ông Trump nói với hãng Bloomberg News.
Hãng AP cho biết, việc triển khai THAAD làm người dân Seongju tức giận bởi họ lo ngại tên lửa của CHDCND Triều Tiên có thể nhằm vào thị trấn này; đồng thời lo sợ sóng điện từ radar sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sinh sống nơi đây.
Người ta cũng tranh cãi về những lợi ích an ninh mà THAAD mang lại sẽ nhiều hay ít hơn những tổn hại nếu làm mối quan hệ với Trung Quốc trở nên xấu đi. Bắc Kinh vốn xem sự hiện diện của THAAD tại Hàn Quốc là mối đe dọa. Hơn nữa, người dân Hàn Quốc tức giận khi Tổng thống Trump nói rằng, ông muốn Seoul trả 1 tỷ USD cho Mỹ sau khi triển khai THAAD.
Theo Reuters, cũng trong ngày 2-5, Trung Quốc tái khẳng định việc phản đối THAAD ở Hàn Quốc và thúc giục ngừng hệ thống chống tên lửa này ngay lập tức. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh cường quốc châu Á này sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình. Bắc Kinh lo ngại radar của THAAD có thể được sử dụng để do thám lãnh thổ của nước này, mặc dù Mỹ luôn khẳng định THAAD đơn thuần nhằm mục đích phòng vệ.
Trong khi đó, AP cho hay, người phát ngôn Cảnh Sảng còn thúc giục Mỹ và CHDCND Triều Tiên có mối liên hệ càng sớm càng tốt, tháo gỡ căng thẳng. Theo ông Cảnh Sảng, Washington và Bình Nhưỡng cần có các bước đi cụ thể hướng đến hòa bình, tránh làm khủng hoảng leo thang. Trung Quốc đang muốn cả hai bên kiềm chế sau hàng loạt vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên và các cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật của Mỹ.
Về phía CHDCND Triều Tiên, nước này cáo buộc Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân sau khi Washington điều 2 máy bay ném bom chiến lược loại B-1B thực hiện các chuyến bay trên bầu trời khu vực này. Không quân Mỹ xác nhận 2 máy bay này đi từ đảo Guam đến để tham gia tập trận với lực lượng không quân Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng khẳng định đây là hoạt động thường kỳ và “không liên quan đến tình hình hay đất nước cụ thể nào”.
Trong lúc mối quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn căng thẳng, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố để ngỏ khả năng gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-in nếu “có những điều kiện phù hợp”. Hãng AP cho biết, ông Trump không nói đó là những điều kiện nào, cũng không cho biết thời gian có thể diễn ra cuộc gặp hiếm hoi như vậy. Song, Nhà Trắng cho hay, CHDCND Triều Tiên cần đáp ứng rất nhiều điều kiện trước khi Washington cân nhắc một cuộc gặp. Khi tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, ứng cử viên Trump nói rằng sẽ để ngỏ khả năng gặp gỡ ông Kim Jong-un, nhưng từ khi vào Nhà Trắng, ông Trump không nhắc lại điều này. Thời gian gần đây, Mỹ gây áp lực với CHDCND Triều Tiên bằng cảnh báo sẽ tiến hành tấn công phủ đầu nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân một lần nữa. |
PHÚC NGUYÊN