Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định không bao giờ công nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia hạt nhân và Seoul sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa, hàng trước) phát biểu tại Quốc hội ngày 1-11. Ảnh: Stars and Stripes |
Phát biểu nói trên của Tổng thống Moon Jae-in được đưa ra trước Quốc hội ngày 1-11. Theo đó, nhà lãnh đạo này nói rằng không thể có hành động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc, đồng thời Seoul sẽ tiếp tục hướng đến hòa bình trên bán đảo. “Theo tuyên bố chung về giải giáp hạt nhân giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, chúng tôi không thể công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân. Chúng tôi cũng sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân hay sở hữu chúng”, ông Moon Jae-in nói, đồng thời cam kết đáp trả ở mức độ cao nhất đối với bất kỳ “hành động khiêu khích quân sự” của phía Triều Tiên.
Những tranh cãi về việc công nhận hay không công nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia hạt nhân không phải là vấn đề mới. Song, trong những tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã có những bước tiến đáng kể trong chương trình vũ khí hạt nhân. Nước này đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất vào ngày 3-9 vừa qua.
Các nghị sĩ đối lập do ông Hong Joon-pyo, lãnh đạo đảng Tự do Hàn Quốc (LKP), dẫn đầu đã kêu gọi triển khai lại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, vốn được đưa ra khỏi bán đảo Triều Tiên vào năm 1991. Hồi tháng 10 vừa qua, ông Hong Joon-pyo đến Washington để vận động vấn đề này, với lập luận rằng đây sẽ là cơ sở để chống lại một nhà nước Triều Tiên sở hữu hạt nhân. Các thăm dò gần đây cũng cho thấy, 60% người dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng này. Hãng UPI dẫn lời ông Thomas Byrne, Chủ tịch tổ chức Korea Society ở New York (Mỹ) cho rằng, kết quả này phản ánh sự lo lắng xung quanh các hành động của CHDCND Triều Tiên nhưng cũng gia tăng niềm tin về việc Hàn Quốc nên có vũ khí hạt nhân, mặc dù đây không phải là chính sách của chính phủ Seoul cũng như Washington.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, sự hiện diện của các đầu đạn hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Triều Tiên là không cần thiết kể từ khi Hàn Quốc được bảo vệ dưới “ô hạt nhân” của Mỹ, đó là chưa kể việc triển khai lại vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể làm dấy lên một cuộc đua vũ trang ở khu vực, trong khi Seoul đã phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 1975.
Hãng Reuters cho biết, khủng hoảng hạt nhân CHDCND Triều Tiên sẽ là nội dung chính trên bàn nghị sự khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu công du châu Á vào cuối tuần này, trong đó có chuyến thăm Hàn Quốc vào ngày 7 và 8-11. Các nỗ lực ngoại giao cũng được thúc đẩy trước thềm chuyến công cán của nhà lãnh đạo Mỹ. Hàng loạt vụ thử hạt nhân do CHDCND Triều Tiên tiến hành và những cuộc “khẩu chiến” giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un trong những tháng gần đây làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xung đột vũ trang.
Theo UPI, cũng có mối lo ngại Mỹ sẽ không chịu trách nhiệm bảo vệ Hàn Quốc. Song, ông Thomas Byrne nói rằng, mối lo ngại đã bị thổi phồng. Mỹ và Hàn Quốc là đồng minh kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hiện có 28.500 binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có 2 chuyến công cán đến Hàn Quốc, tái khẳng định liên minh vững chắc giữa hai nước này. Quân đội Mỹ và Hàn cũng có sự thống nhất trong việc đối phó với vấn đề Triều Tiên. Vì vậy, ông Byrne nói: “Tôi không nghĩ có khoảng cách về quan điểm chống lại CHDCND Triều Tiên giữa quân đội Hàn Quốc và Mỹ”.
PHÚC NGUYÊN