Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, Tổng thống Donald Trump bỗng thay đổi thái độ chuyển sang “dàn hòa” với EU và “chĩa mũi nhọn” vào Nga.
Tổng thống Donald Trump từ chỗ gọi Liên minh Châu Âu là “kẻ thù” và đứng về phía Tổng thống Nga Putin chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ, bỗng thay đổi thái độ chuyển sang “dàn hòa” với EU và “chĩa mũi nhọn” vào Nga.
Giới quan sát cho rằng, đây là sự chuyển biến đầy bất ngờ, cho thấy ông Trump đang chịu sức ép lớn từ các nghị sỹ Đảng Cộng hòa nhằm bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với Nga và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ dàn hòa với EU. Ảnh: CNN |
Tổng thống Trump dàn hòa với EU
Sau giai đoạn căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và EU, Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã bắt tay quan chức hàng đầu của Châu Âu – Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng hôm 26-7.
Hai bên ratuyên bố chung nêu rõ: “Chúng tôi đã gặp nhau tại Washington để khởi động một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Mỹ và EU – giai đoạn tình bạn thân thiết và hợp tác thương mại mạnh mẽ mà trong đó cả hai cùng chiến thắng, hợp tác tốt hơn vì an ninh, thịnh vượng trên toàn cầu và cuộc chiến chống khủng bố”.
Tuyên bố cũng liệt kê một số thỏa thuận, trong đó có việc Mỹ và EU cam kết tiếp tục đàm phán nhằm tạo ra thị trường miễn thuế, không có các rào cản và trợ giá cho những hàng hóa không thuộc ngành công nghiệp ô tô. Châu Âu đồng ý gia tăng việc mua khí tự nhiên hóa lỏng cũng như giảm bớt rào cản thương mại đối với mặt hàng đậu nành của Mỹ.
Tuyên bố nhấn mạnh, hai bên muốn giải quyết vấn đề áp thuế đối với mặt hàng nhôm và thép, cũng như các biện pháp áp thuế đáp trả lẫn nhau khác. Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác cùng chung thiện chí để cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và giải quyết vấn đề thương mại thiếu công bằng.
Trao đổi với báo chí, Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ dừng kế hoạch áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu và nỗ lực làm việc với khối này để thu hẹp bất đồng về thương mại nhằm tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện. Về phần mình, Chủ tịch Juncker nói rằng đó là một “sự nhượng bộ lớn” từ phía ông Trump, đồng thời hy vọng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tuân thủ cam kết.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, tuyên bố chung nêu trên vẫn rất mơ hồ và thiếu các điều khoản cụ thể. Tờ Atlantic dẫn lời Marianne Schneider-Petsinger, nhà kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House có trụ sở tại London nhận định: “Thay vì một cam kết vững chắc, những gì chúng ta có được là ngôn ngữ khoa trương về sự hợp tác và đối thoại”.
Cùng chung quan điểm này, ông Richard Wolff, giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts cho rằng, tuyên bố chung của ông Trump và ông Juncker phần lớn giống như “một chiến dịch giữ thể diện” trước giới truyền thông và những người ủng hộ họ.
Tuy nhiên, lại có những ý kiến tích cực hơn khẳng định, dù là chỉ mang tính biểu tượng thì tuyên bố vẫn tạo ra tác động ngắn hạn, giúp giảm căng thẳng giữa Mỹ và Châu Âu. Tuyên bố dường như đã tháo nút thắt cho một số vấn đề gai góc trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU, vốn bắt đầu sau khi Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên thép và nhôm nhập khẩu từ Châu Âu. Còn EU đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Có thể thấy thái độ của ông Trump đối với Chủ tịch Jean-Claude Juncker tại Vườn Hồng hoàn toàn đối lập với những gì diễn ra tại hội nghị NATO hồi đầu tháng 7, nơi mà ông Trump liên tục chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu.
Với sự nhượng bộ từ Tổng thống Donald Trump, chuyến thăm Mỹ lần này của ông Juncker đã gặt hái được thành công đáng kể. Nhà phân tích Richard Wolff nhấn mạnh: “Chủ tịch Junker đã có những gì ông muốn, đặc biệt là cam kết của ông Trump không áp thuế mới đối với xe ô tô nhập khẩu từ Châu Âu”.
Nhiều điều khoản trong tuyên bố chung phù hợp với các ưu tiên của Châu Âu và đòi hỏi ít hành động từ Brussels cũng như các nước Châu Âu. Các thỏa thuận nêu trong đó, về cơ bản ngăn chặn một cuộc chiến thương mại Mỹ-EU, là chiến thắng lớn đối với Liên minh Châu Âu, đặc biệt Đức – quốc gia giàu mạnh nhất khối. Tổng thống Trump luôn có thành kiến với Đức, còn phía Berlin cũng đã tính đến kịch bản xấu đó là ông Trump áp đặt mức thuế mới nhằm làm tổn hại ngành công nghiệp ô tô của nước này.
Do vậy, việc tạm dừng đánh thuế đối với hàng hóa, đặc biệt là ô tô nhập khẩu từ EU đã khiến Đức gạt được mối lo về “cơn thịnh nộ” có thể xảy đến bất cứ lúc nào từ ông Trump và khiến Châu Âu “dễ thở” hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ về thương mại.
Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo EU từng “than vãn” rằng họ chẳng bao giờ biết sẽ nhận được gì từ ông Trump, người từng bày tỏ thái độ thù ghét NATO, chỉ trích EU, thích áp đặt thuế quan. Hồi tháng 6-2018, trong thông báo đăng tải trên trang Twitter, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 20% lên tất cả các dòng xe nhập từ Châu Âu.
Chĩa mũi nhọn vào Nga
Trong khi thể hiện thái độ mềm mỏng và có phần nhượng bộ đối với EU, thì chính quyền Tổng thống Donald Trump lại tỏ ra cứng rắn với Nga.
Tại cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, ông Trump đã thuyết phục được EU gia tăng mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ thay vì tăng cường mua của Nga. “Đây là nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm chứng tỏ với những người ủng hộ và những người chỉ trích ông rằng, ông không “ưa thích gì” Nga- quốc gia vốn là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng chính cho Châu Âu”, giáo sư Richard Wolff nhấn mạnh.
Ông Richard Wolff cho biết thêm, Tổng thống Donald Trump không bằng lòng việc Châu Âu mua khí tự nhiên hóa lỏng của Nga, đặc biệt, ông đã phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream II) - dự án hợp tác giữa Nga và Đức để xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic sang Đức.
Về mặt thương mại là vậy, còn về chính trị, tờ Politico cho biết, ông Donald Trump đang có kế hoạch tổ chức một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia cuối tuần này để thảo luận về việc đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2018. Cuộc họp dự kiến thảo luận chi tiết về nguy cơ Nga có thể can thiệp cuộc bầu cử này.
Trước đó hôm 25-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra “Tuyên bố Crimea”, trong đó thể hiện rõ quan điểm của Mỹ về khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuyên bố nhấn mạnh: “Cùng chung quan điểm với các đồng minh, các đối tác và cộng đồng quốc tế, Mỹ bác bỏ nỗ lực sáp nhập Crimea của Nga và cam kết duy trì chính sách này cho đến khi sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục”.
Mặc dù tuyên bố tái khẳng định quan điểm có từ trước của Mỹ, nhưng thời điểm đưa ra tuyên bố đặc biệt đáng chú ý vì diễn ra ngay sau khi ông Trump gặp ông Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng thông báo cuộc gặp thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Putin sẽ bị trì hoãn cho đến năm 2019. Quyết định hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ lần 2 này được cho là sẽ hạn chế, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, những lời chỉ trích đối với ông Trump sau những gì ông đã nói và làm tại cuộc gặp Thượng đỉnh chính thức đầu tiên với Tổng thống Putin.
Theo VOV