Bất ngờ "ai thắng – ai thua" từ việc Mỹ trừng phạt Iran

.

Bất chấp các biện pháp trấn an của EU, các công ty lớn của châu Âu đang rục rịch rời khỏi Iran, để lại khoảng trống cho những “kẻ thắng cuộc” bất ngờ.

Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn để giúp các công ty của khối vượt qua những khó khăn vì các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt đối với Iran song các doanh nghiệp lớn của EU dường như sẽ khó có thể tránh khỏi việc “va chạm” với Washington. Và “kẻ thắng cuộc” bất ngờ từ các biện pháp trừng phạt này lại không phải là Mỹ, càng không phải EU hay Iran.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau hồi tháng 5/2018. Iran được cho là có thể bắt tay với Trung Quốc khi chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau hồi tháng 5/2018. Iran được cho là có thể bắt tay với Trung Quốc khi chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Chọn Mỹ hay Iran?

“Làn sóng” trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với Iran có hiệu lực từ đêm 7-8, nhằm vào việc Iran thu mua đồng USD, mua bán vàng và các kim loại khác, cũng như những giao thương bằng đồng rial của Iran và các hợp đồng mua ô tô hay máy bay thương mại chở khách.

“Làn sóng” thứ hai, dự kiến đến vào tháng 11 tới, sẽ “đánh” vào lĩnh vực dầu khí và ngành năng lượng của Iran cũng như các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran.

Trước khi các lệnh trừng phạt Iran chính thức có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-8 đăng dòng tweet khẳng định, đây là các biện pháp “đau đớn nhất từ trước tới nay”, đồng thời cảnh báo các đối tác thương mại của nước này rằng họ sẽ phải lựa chọn 1 là Mỹ, 2 là Iran.

Như để làm rõ hơn thông điệp gửi thẳng đến EU, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell sau đó cũng cảnh báo trên Twitter rằng “các công ty Đức đang làm ăn ở Iran nên rút lại hoạt động ngay tức khắc”.

Đáp lại, EU lại tái khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế và thương mại với Iran, mà theo như Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói là “châu Âu có luật pháp đứng về phía mình”.

Thế nhưng những nỗ lực của châu Âu, chủ yếu là của Anh, Pháp và Đức, trong việc giữ một chiếc “mỏ neo” trong quan hệ kinh tế thương mại với Iran như là sự đảm bảo cho thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung tổng thể (JCPOA) đang đặt châu lục này vào thế đối đầu trực diện với Washington.

Hiếm khi có sự bất đồng sâu sắc đến thế giữa các đồng minh này kể từ sau Thế chiến thứ Hai.

Phản ứng kiểu “sách vở”

Để bảo vệ các doanh nghiệp đang đầu tư vào Iran, châu Âu đã cập nhật Quy chế Phong tỏa (Blocking Statute), vốn được dùng để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, Libya và Cuba. Quy chế này cấm các công ty của châu Âu tuân thủ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và cho phép họ phớt lờ các phán quyết bên ngoài lãnh thổ khu vực và thu hồi thiệt hại phát sinh từ các lệnh trừng phạt “từ người gây ra chúng”. 

Thế nhưng chính nghị sỹ Bỉ Aldo Carcaci cũng phải thừa nhận rằng, các biện pháp này của châu Âu chỉ mang tính lý thuyết “sách vở” bởi thực tế lợi ích từ việc làm ăn với Mỹ luôn vượt trội so với bất cứ triển vọng nào xánlạn nhất của việc hợp tác với Iran.

“Nó khiến chủ các doanh nghiệp đang làm ăn ở Iran đứng trước sự lựa chọn khó khăn là nên theo Mỹ hay nghe lời EU” – ông Carcaci nói. “Sự lựa chọn được đưa ra rất nhanh chóng. Tôi đã từng là quản lý công ty công nghệ, một công ty không thể chịu được rủi ro đó”.

Cựu Đại diện thường trực của Bỉ tại EU Jean De Ruyt cũng tin rằng, các biện pháp của EU khó có tác dụng đủ để thuyết phục các công ty lớn tiếp tục làm ăn với Iran.

“Liệu các biện pháp của châu Âu có hiệu quả không khi thực tế nó chưa từng được thử nghiệm” – ông De Ruyt nêu rõ. “Tác động của Quy chế Phong tỏa có lẽ chỉ mang tính biểu tượng. Bất cứ công ty quan trọng nào của châu Âu cũng sợ sệt vì cánh tay của Mỹ quá dài”.

Trong số các biện pháp chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, châu Âu cũng cho phép các công ty không giao thương bằng USD, nhờ đó họ có thể tránh được “con mắt dò xét” của Washington.

Nhưng hẳn ai ở châu Âu cũng còn nhớ “người khổng lồ” ngành ngân hàng Pháp BNP Paribas đã phải trả số tiền phạt kỷ lục 8,9 tỷ USD cho Washington vì sử dụng đồng tiền của Mỹ trong các giao dịch bị cấm với Iran, Sudan và Cuba. Vì thế, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) dù có thể đi đầu trong những nỗ lực tài chính trên cũng sẽ lựa chọn tốt nhất là không mạo hiểm mô hình kinh doanh để đóng vai trò tích cực nào ở Iran.

Theo nghị sỹ Bỉ Aldo Carcaci, rút cuộc châu Âu cũng sẽ tìm ra được cơ chế nào đó để tiếp tục hợp tác thương mại với Iran theo JCPOA, đảm bảo 1 dòng cung ứng và thanh toán nhất định để thỏa thuận hạt nhân vẫn có hiệu lực nhưng sự sụt giảm thương mại giữa EU và Iran là không thể tránh khỏi.

“Các công ty sẽ rời Iran, bắt đầu từ những công ty lớn nhất. Toàn bộ sẽ bị thay thế bởi các công ty Trung Quốc. Đó là một cú sốc đối với doanh nghiệp châu Âu và chỉ có các công ty nhỏ mới có thể ‘trốn tránh radar của Mỹ’ và tiếp tục làm ăn ở đây” - ông Carcaci nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ và các SME châu Âu “vớ bở”…

Một vấn đề mà người Iran lo ngại trong nhiều năm sống dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ đó là việc sửa chữa, bảo trì các thiết bị kỹ thuật như máy bay, thang máy, xe hơi, xe tải…

Ví dụ như “phi đội” máy bay Boeing già cỗi của Iran Air hay Mahan Air rất cần các phụ tùng thay thế nhưng bị Mỹ từ chối. Trong cơn “bĩ cực”, Iran đã tìm cách sao chép các bộ phận này và nỗ lực sản xuất máy bay loại nhỏ Antonov A-140 (chở được 52 khách) dựa vào công nghệ không mấy mới mẻ từ Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ được lợi trong bối cảnh Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Ankara nhiều khả năng sẽ lại tìm cách đóng vai trò trung gian giữa người tiêu dùng Iran và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) châu Âu. Cụ thể, các công ty của châu Âu sẽ bán hàng cho các công ty Thổ NhĩKỳ, sau đó các công ty này bán lại cho Iran.

Chuyên gia công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ Ferhat Targit chỉ rõ thực tế đó trong ngành sản xuất, lắp đặt thang máy: “Ở mọi nơi trên thế giới, các công ty thang máy hàng đầu là Otis của Mỹ, Schindler của Thụy Sỹ hay ThyssenKrupp của Đức. Nhưng không phải ở Iran. Đây là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp vừa của Italy hay Tây Ban Nha trong lĩnh vực này”.

Các tập đoàn lớn cũng được cho là sợ hình ảnh của họ bị ảnh hưởng khi xuất hiện trong các bài báo về lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

“Khoảng trống mà các tập đoàn đa quốc gia lớn để lại [ở Iran] sẽ được lấp đầy bởi các công ty nhỏ hơn của châu Âu vốn không có hoạt động ở bên kia Đại Tây Dương” – Cố vấn của chính phủ Đức Adnan Tabatabai nhận định.

… hay “Ngọa hổ, tàng long” sẽ chớp thời?

Theo ông Tabatabai, động thái của Mỹ cũng sẽ đẩy Iran “hướng Đông” và bắt tay với hàng loạt đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… vốn không phải là điều Mỹ và châu Âu mong muốn.

“Tôi nghĩ Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước thắng đậm trong ‘ván bài’ trừng phạt Iran” – Chuyên gia kinh tế quốc tế ở London (Anh), ông Lawk Ghafuri nhận định. “Vì những lệnh trừng phạt này giới hạn kinh tế Iran và giao thương của họ với các nước khác, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ xuất nhập khẩu rất nhiều tài nguyên và sản phẩm từ Iran cũng như theo chiều ngược lại”.

Nhưng tất nhiên, đó cũng không phải là cánh cửa mở ra con đường trải hoa hồng. Ví dụ như với Trung Quốc, Tehran sẽ phải chấp nhận việc Bắc Kinh áp dụng các thỏa thuận trao đổi sản phẩm nông nghiệp lấy dầu khí và điều đó sẽ tác động xấu đến ngành nông nghiệp của Iran.

Tuy nhiên, theo ông Tabatabai, chính phủ Iran trước hết sẽ theo đuổi chiến lược để sống sót và tồn tại trong bối cảnh tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ sẽ kéo dài ít nhất vài năm.

Về lâu dài, Tehran được cho là cũng sẽ tìm cách ngồi lại với Washington để giải quyết tranh cãi xung quanh vấn đề hạt nhân của nước này.

“Liệu Tổng thống Rouhani có trở nên cực đoan và tái khởi động chương trình hạt nhân của Iran hay không? Tôi cho là không” – ông Tabatabai nói. “Đúng là người Iran cũng nhìn vào thái độ của ông Trump đối với Triều Tiên nhưng đó là vì ông Kim Jong-un có bom hạt nhân và được Washington tôn trọng. Với ông Rouhani, thái độ đối đầu là đi ngược lại ý nguyện hòa bình của nước Cộng hòa Hồi giáo này”.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.