5 điểm nhấn trong phát biểu của ông Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

.

“Chúng tôi từ chối ý tưởng về toàn cầu hóa và chấp nhận học thuyết về chủ nghĩa yêu nước” – ông Trump thẳng thừng tuyên bố.

Ông Trump phát biểu tại kỳ họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump phát biểu tại kỳ họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)

Bài phát biểu thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Liên Hợp Quốc tái khẳng định những gì ông đã nói năm ngoái. Đó là nước Mỹ của ông là một quốc gia tự chủ và mọi quốc gia khác chỉ có thể dựa vào chính họ.

“Make America Great Again” – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại

Ông Trump khẳng định ngay từ đầu rằng, bài phát biểu của ông là để chia sẻ những tiến bộ phi thường mà nước Mỹ đã đạt được.

“Trong vòng chưa đầy 2 năm, chính quyền của tôi đã đạt được nhiều điều hơn hầu hết bất cứ chính quyền nào trong lịch sử đất nước chúng tôi, của nước Mỹ, đúng thế” - ông Trump dứt lời và cười lớn trước phản ứng của các vị đại biểu.

“Tôi không trông đợi phản ứng đó nhưng cũng ổn thôi” - ông Trump tiếp tục cười lớn và vỗ tay.

Tổng thống Mỹ khẳng định: “nền kinh tế Mỹ nở rộ hơn bao giờ hết. Kể từ khi tôi được bầu, chúng tôi đã thêm được 10.000 tỷ USD cho sự thịnh vượng. Thị trường chứng khoán đang ở đỉnh cao của mọi thời đại trong lịch sử và thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Thất nghiệp trong nhóm người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và gốc Á đã đạt mức thấp nhất từng được ghi nhận. Chúng tôi đã thêm hơn 4 triệu việc làm mới, trong đó có nửa triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất”.

Ông cũng thông báo: “Chúng tôi đã thông qua các biện pháp giảm và cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chúng tôi đã bắt đầu việc xây dựng một bức tường biên giới lớn và chúng tôi đã tăng cường an ninh biên giới rất nhiều”.

Về quân sự, ông Trump cho biết: “Chúng tôi đã đảm bảo được mức chi tiêu kỷ lục cho quân đội – 700 tỷ USD trong năm nay và 716 tỷ USD cho năm sau. Quân đội chúng tôi sẽ sớm trở nên mạnh mẽ hơn bao bao giờ hết.

“Nói cách khác, nước Mỹ mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và giàu có hơn khi tôi tiếp quản chưa đầy 2 năm trước” – Tổng thống Trump khẳng định. “Chúng tôi đang đứng lên vì nước Mỹ và vì người dân Mỹ. Và chúng tôi cũng đang đứng lên vì thế giới”.

Chiến thắng đối ngoại lớn nhất: bắt tay với Triều Tiên

“Với sự hỗ trợ của nhiều nước có mặt ở đây ngày hôm nay, chúng tôi đã bắt tay với Triều Tiên để thay thế viễn cảnh xung đột bằng động lực mới táo bạo cho hòa bình” – ông Trump nói

Thông báo với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6, ở Singapore, ông Trump cho biết: “Chúng tôi đã có các cuộc đối thoại và gặp gỡ rất hiệu quả và chúng tôi đã nhất trí rằng lợi ích của cả 2 nước là theo đuổi việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Kể từ cuộc gặp đó, chúng ta đã thấy nhiều biện pháp đáng khích lệ mà chỉ trong khoảng thời gian ngắn trước đó, ít người có thể tưởng tượng được ra”.

Tổng thống Mỹ nêu rõ: “Các quả tên lửa và rocket không còn bay tứ tung nữa. Các vụ thử hạt nhân đã dừng lại. Một số cơ sở quân sự đang được dỡ bỏ. Các con tin đã được thả. Và như đã hứa, hài cốt những anh hùng của chúng tôi đã ngã xuống đang được trở về nhà để có thể an nghỉ trên đất Mỹ”.

Tổng thống Mỹ đã gửi lời cảm ơn nhà lãnh đạo Kim Jong-un “vì sự dũng cảm của và vì những bước đi mà ông ấy đã thực hiện dù còn nhiều việc cần phải làm”, đồng thời nhấn mạnh, “các lệnh trừng phạt sẽ được duy trì cho đến khi phi hạt nhân hóa xảy ra”. Ông cũng không quên gửi “lời cảm ơn đặc biệt” tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Syria và Cuộc chiến chống IS

Ông Trump khẳng định, ở Trung Đông, cách tiếp cận mới của Mỹ cũng đang tạo ra “những bước tiến vĩ đại và sự thay đổi lịch sử”.

Sau chuyến đi của ông Trump tới Saudi Arabia năm ngoái, các nước vùng Vịnh đã mở một trung tâm mới để tấn công vào các hoạt động cung cấp tài chính cho khủng bố. Các nước này cũng đang áp đặt các lệnh trừng phạt mới, hợp tác với Mỹ để xác định và lần theo các mạng lưới khủng bố và gánh vác thêm trách nhiệm để chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở khu vực.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar đã cam kết hàng tỷ USD để viện trợ cho người dân ở Syria và Yemen. Theo ông Trump, các nước này “đang theo đuổi nhiều con đường để chấm dứt cuộc nội chiến kinh hoàng ở Yemen”.

“Cho đến tận cùng, mọi chuyện phụ thuộc vào các nước ở khu vực này quyết định xem họ muốn có một tương lai như thế nào cho bản thân và con cháu mình” – Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ông Trump cho biết, vì lý do đó, Mỹ đang phối hợp với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Jorrdan và Ai Cập để thành lập một liên minh chiến lược ở khu vực để các nước Trung Đông có thể tiến tới sự thịnh vượng, ổn định và an ninh cho toàn bộ khu vực.

Ông Trump khẳng định: “nhờ quân đội Mỹ và mối quan hệ đối tác giữa chúng tôi với rất nhiều trong số các nước ở đây, tôi lấy làm hài lòng khi báo cáo rằng những kẻ giết người khát máu được biết đến với cái tên Tổ chức Nhà nước hồi giáo IS tự xưng đã bị đánh bật khỏi vùng lãnh thổ mà chúng từng chiếm đóng ở Iraq và Syria”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với bạn bè và đồng minh để từ chối bất cứ hoạt động nào cung cấp tài chính, bao che, hỗ trợ cho khủng bố hay bất cứ cách thức nào xâm phạm biên giới của chúng tôi” – Tổng thống Mỹ nêu rõ.

Về Syria, Tổng thống Mỹ khẳng định mục tiêu của Mỹ là “giảm căng thẳng xung đột quân sự cùng với một giải pháp chính trị tôn trọng nguyện vọng của người Syria”, qua đó kêu gọi làm sống lại tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc dẫn dắt.

Tuy nhiên, ông Trump cũng không quên cảnh báo rằng, “Mỹ sẽ đáp trả nếu chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học”. Bên cạnh đó, ông Trump cũng cho rằng, mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria cần phải bao gồm một chiến lược để đối phó với quốc gia bị Mỹ cho là đứng sau chính quyền Assad.

Nhắm vào Iran

Theo ông Trump, Iran đã “gieo rắc sự hỗn loạn, chết chóc và hủy diệt” khắp khu vực.

Theo ông, các nước láng giềng của Iran đã phải trả cái giá quá đắt cho “chương trình nghị sự gây hấn” của Tehran. Theo ông, đó là lý do nhiều nước Trung Đông ủng hộ Mỹ rút khỏi thỏa thuận “kinh hoàng” về vấn đề hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt trừng phạt với nước này.

 

Ông Trump chỉ rõ, ngay khi đạt được thỏa thuận hạt nhân, Iran đã lập tức “trở mặt” và tăng ngân sách quốc phòng gần 40% và số tiền đó được dùng để “nâng cao năng lực tên lửa, tăng cường đàn áp trong nước, tài trợ khủng bố và cung cấp tiền cho các cuộc chém giết, bất ổn ở Syria và Yemen”.

Mỹ đã triển khai chiến dịch kinh tế chống lại Iran và các biện pháp trừng phạt tái áp đặt với Tehran sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11 tới.

“Chúng tôi không thể cho phép nhà tài trợ hàng đầu cho khủng bố trên thế giới sở hữu vũ khí nguy hiểm nhất” – ông Trump nhấn mạnh, đồng thời đề nghị tất cả các nước hợp tác với Mỹ cô lập Iran.

Cuộc chiến thương mại

Tổng thống Trump cho biết, chính sách dựa trên nguyên tắc thực tế của Mỹ có nghĩa rằng nước này không bị kìm kẹp bởi những lề thói cũ, những tư tưởng đã lỗi thời hay “những người mệnh danh là chuyên gia nhưng được chứng minh là đã sai lầm nhiều năm qua”. Điều này không chỉ đúng trong vấn đề hòa bình mà còn cả vấn đề thịnh vượng.

“Chúng tôi tin rằng thương mại phải công bằng và có đi có lại” – ông Trump nói. “Mỹ sẽ không bị lợi dụng nữa”.

Theo ông, Mỹ là nền kinh tế cởi mở nhất thế giới và gần như vô điều kiện trong nhiều thập kỷ nhưng các nước khác đã không tạo cho Mỹ quyền tiếp cận thị trường tương xứng. Kết quả là thâm hụt thương mại của Mỹ như quả bóng ngày càng bị thổi phồng và năm nay lên tới mức 800 tỷ USD.

Bên cạnh việc nêu bật thành công của đàm phán thương mại tự do (FTA) với Mexico và Hàn Quốc đã đạt được kết quả tốt đẹp, ông Trump mạnh miệng chỉ trích những nước “bán phá giá sản phẩm không thương tiếc, ép buộc chuyển giao công nghệ và ăn cắp sở hữu trí tuệ”.

“Nhiều nước trong căn phòng này sẽ đồng ý rằng hệ thống thương mại thế giới rất cần phải thay đổi” – ông Trump nói, cho rằng nhiều nước tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lại đang vi phạm “mọi nguyên tắc mà tổ chức này đặt làm cơ sở”.

Ông Trump lấy ví dụ việc nước Mỹ đã mất hơn 3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất và 60.000 nhà máy sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Nhưng người đứng đầu nước Mỹ khẳng định, “những ngày đó đã qua”.

“Chúng tôi sẽ không để công nhân của mình trở thành nạn nhân, các công ty của mình bị lừa gạt và sự thịnh vượng của chúng tôi bị cướp bóc và chuyển giao” – ông Trump nhấn mạnh, “nước Mỹ sẽ không bao giờ xin lỗi vì bảo vệ công dân của mình”.

Mỹ vừa công bố các biện pháp đánh thuế với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, nâng tổng số hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị đánh thuế lên 250 tỷ USD và sẽ tiếp tục đánh thuế thêm với 267 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa.

“Tôi dành sự tôn trọng và tình cảm rất lớn cho bạn tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng tôi đã nói rõ là bất công thương mại giữa chúng tôi là không thể chấp nhận được” – ông Trump nhấn mạnh.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.