Nhiều áp lực với thượng đỉnh liên Triều

.

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3 vào tuần tới là phép thử đối với vai trò trung gian của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và việc cứu vãn đàm phán Mỹ - Triều Tiên. Tuy nhiên, trong lúc này, Washington lại trừng phạt công ty Nga và Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày  27-4-2018. 		 					               Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27-4-2018. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Moon Jae-in sẽ băng qua biên giới để đến Bình Nhưỡng vào ngày 18-9 trong lúc có những hoài nghi về việc nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có nghiêm túc với vấn đề phi hạt nhân hóa hay không, như mục tiêu mà ông đã cam kết tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 vừa qua. Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3 giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un sau hai lần gặp vào ngày 27-4 và ngày 26-5.

Tuần trước, Tổng thống Trump đề nghị người đồng cấp Hàn Quốc đóng vai trò “nhà đàm phán chính” giữa Mỹ và Triều Tiên. Vì vậy, việc tái khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chính trong hội nghị thượng đỉnh của hai miền, cùng với một mục tiêu khác là tiếp tục phát triển quan hệ liên Triều. Các quan chức Seoul cho biết, Tổng thống Moon sẽ tìm cách thúc đẩy tuyên bố chung nhằm chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.

Thực tế, kể từ tháng 11-2017 đến nay, Triều Tiên không thực hiện bất kỳ hoạt động mang tính khiêu khích nào. Song, Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc Bình Nhưỡng hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa trước hay Washington tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh trước. Trong cuộc gặp với các cố vấn vào ngày 13-9, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, có thể tìm thấy một nút tháo gỡ xung quanh việc bên nào phải hành động trước. Chính phủ Seoul đặt nhiều hy vọng vào tiến trình đàm phán Mỹ - Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng, ông muốn hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump - kết thúc vào đầu năm 2021; đồng thời, ông Kim cũng gửi lá thư “rất ấm áp, rất tích cực” đến ông chủ Nhà Trắng, đề nghị tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần 2.

Tuy nhiên, trong lúc này, Mỹ lại công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty Nga và Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận kinh tế Triều Tiên. Cụ thể, lệnh trừng phạt nhằm vào Công ty công nghệ Yanbian Silverstar Network có trụ sở tại Trung Quốc và Giám đốc điều hành người Triều Tiên, ông Jong Song-hwa. Chi nhánh ở Nga là Volasys Silver Star của công ty này cũng bị đưa vào “danh sách đen”. Rõ ràng, tuy muốn Hàn Quốc làm nhà trung gian đàm phán nhưng Mỹ vẫn không từ bỏ việc tiếp tục gây sức ép thông qua trừng phạt trong vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Như vậy, so với 2 lần gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 và tháng 5, lần gặp gỡ sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ có nhiều khó khăn bởi cùng chịu áp lực trong việc đạt được tiến triển giữa sức ép của Mỹ. Một nhà ngoại giao ở Seoul nói với hãng Reuters rằng, Mỹ có ít niềm tin đối với CHDCND Triều Tiên để có thể tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh.

Theo chuyên gia cấp cao Frank Aum tại Viện Hòa bình Mỹ ở Washington, Tổng thống Moon Jae-in cần nhấn mạnh với CHDCND Triều Tiên về những bước đi dứt khoát hơn, chẳng hạn “đóng băng” việc chế tạo tên lửa và hạt nhân trong lúc có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, theo chuyên gia cấp cao Shin Beom-chul tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, thời gian cụ thể cho mỗi hành động cũng là vấn đề cần bàn. Chẳng hạn, Bình Nhưỡng có thể cam kết đưa ra danh sách các cơ sở hạt nhân vào tháng 11 tới để đổi lấy tuyên bố kết thúc chiến tranh vào tháng 12 và sắp xếp cuộc kiểm tra lần 1 vào đầu năm 2019.

Các nhà phân tích nhận định, vẫn chưa thể khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thực sự chân thành trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên hay không. Nhưng trong lúc có những hoài nghi, nếu Mỹ dùng “cây gậy” - các biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng, mọi nỗ lực hòa giải sẽ thất bại.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.