Mỹ-Trung "tranh hùng", các nước khác sẽ chọn đứng về phía ai?

.

Khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh nhau gay gắt, các nước khác sẽ phải đứng trước lựa chọn khó khăn để quyết định đứng về bên nào.

Sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai nước này chạy đua để dập tắt ảnh hưởng của nhau trên toàn cầu đang buộc các quốc gia khác phải đứng trước lựa chọn khó khăn và gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho các mối quan hệ địa chính trị cũng như sự ổn định của nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Sự cạnh tranh đã đạt đến phạm vi rộng lớn và một tầm cao mới khi hai bên đang tập trung vào cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động trong năm nay. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa hai nước cũng gia tăng trong một loạt khía cạnh ngoại giao và quân sự như vấn đề Đài Loan, Biển Đông và các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên và Iran.

Trên khắp thế giới, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để xây dựng liên minh hoặc quan hệ đối tác hòng kiềm tỏa sức mạnh của nhau. Cuộc cạnh tranh gay gắt Mỹ-Trung được thể hiện rõ nét tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea cuối tuần trước. APEC lần thứ 26 đã lần đầu tiên không thể ra được tuyên bố chung vì bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng, thế đối đầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt Mỹ - Trung có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 khai mạc vào ngày 30/11 sắp tới tại Argentina.

Mỹ-Trung đều muốn cố thủ

Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có mặt tại Hội nghị G-20 sắp tới. Ở Argentina, hai nước có thể đạt được một số hiểu biết chung nhưng có một thực tế là “ngày càng trở nên khó khăn hơn để có thể hòa giải quan điểm cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới”, Ryan Hass - nhà phân tích Trung Quốc tại Viện Brookings nhận định.

“Cả hai quốc gia đều đang muốn cố gắng bảo vệ quan điểm của họ và vì thế mà tìm kiếm điểm chung trong nhận thức là điều khó khăn. Tuy nhiên, hầu như không có quốc gia nào ở châu Á muốn có mối liên hệ khăng khít duy nhất với chỉ một trong hai thế lực, hoặc Mỹ, hoặc Trung Quốc”, ông Hass nói thêm.

Giới chức Mỹ đang cố gắng ngăn chặn các quốc gia vay nợ từ Trung Quốc bằng cách cảnh báo “ngoại giao bẫy nợ”; đồng thời cố gắng tập hợp các quốc gia Đông Nam Á để có thể đứng vững chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như việc tăng cường tích tụ quân sự của Bắc Kinh ở vùng biển huyết mạch này.Hôm 15/11, phát biểu trước lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra cảnh báo, không có chỗ cho hành động “độc đoán và gây hấn” trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuyên bố của ông Pence được cho là nhằm vào sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

“Giống như các bạn, chúng tôi hướng đến một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mà ở đó tất cả các nước, không kể lớn hay nhỏ đều có thể phát triển thịnh vượng, an toàn... Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng sự độc đoán và gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ở bên kia chiến tuyến, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi các nước nên gia tăng sức ép đối với Tổng thống Trump, đặc biệt vì những hành động đơn phương trong chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo này. Tiêu biểu như việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Theo đánh giá của giới quan sát, động thái của Trung Quốc để tăng cường vị thế toàn cầu của nước này đã và đang nhận được trợ lực to lớn từ chính việc ông Trump không ngừng chỉ trích các tổ chức, liên minh và hiệp ước đa phương.

Việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương dù muốn hay không cũng đã làm sứt mẻ lòng tin của các đối tác châu Á. Sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước khí hậu Paris hồi tháng 6/2017, Trung Quốc đã tự giới thiệu mình như quốc gia mang tiêu chuẩn mới về giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Cũng vào đầu năm 2017, trong một bài phát biểu tại Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ đứng ra bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khi phải đối mặt với những lời chỉ trích của ông Trump.

G-20 có giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Trung?

Một số quan chức chính quyền Mỹ bày tỏ lạc quan tin tưởng rằng lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể tháo gỡ được khúc mắc hiện nay khi tham dự G-20. Tuy nhiên, Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump đã gây bất ngờ khi đưa ra cảnh báo rằng một thỏa thuận “yếu” sẽ chỉ gây thêm những tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính Phố Wall.

Tuyên bố này ngay lập tức bị Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow phản bác, cho rằng Peter Navarro đưa ra nhận xét dựa trên tiền đề sai lầm. Ý kiến của Navarro cũng làm Tổng thống Trump thất vọng. Theo giới quan sát, sự không thống nhất trong nội bộ Mỹ có thể khiến Trung Quốc cảm thấy bất an khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Jon B. Alterman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói: “Tôi cảm thấy như chính quyền Mỹ không có một chiến lược nào với Trung Quốc. Các bạn không chỉ thấy các quan chức nói đến những điều khác nhau mà có vẻ như họ còn không có sự nhất quán. Mỹ đang thiếu một chiến lược dài hạn nghiêm túc để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Thời gian gần đây, Mỹ đã bắt tay vào củng cố giao dịch thương mại song phương với các nước khác nhằm mục đích gây áp lực lên Trung Quốc. Mặc dù từ bỏ mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng chính quyền Mỹ vẫn đang tiến hành đàm phán với Nhật Bản và Philippines, đồng thời chú ý hơn đến các cuộc đàm phán tiềm năng với Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trên mặt trận thương mại tiếp tục được thể hiện rõ nét tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và lần đầu tiên kể từ năm 1989, APEC đã không thể ra được tuyên bố chung. Lý do là Trung Quốc không cảm thấy hài lòng với bản tuyên bố này.

“Đó thực sự là một động thái không sáng suốt của người Trung Quốc. Tôi đoán tất cả chúng ta nên kết luận rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các hoạt động thương mại không công bằng và họ cũng sẽ tiếp tục đặt lợi ích của mình lên trên những nỗ lực đóng góp cho các tổ chức đa phương. Cái gì sẽ diễn ra tiếp theo?”, nhà phân tích Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về vấn đề châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đặt câu hỏi.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.