Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận Brexit và mối quan hệ trong tương lai giữa khối này với Anh tại hội nghị bất thường vào ngày 25-11 ở Brussels (Bỉ).
Thủ tướng Anh Theresa May gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trước thềm hội nghị bất thường của EU. Ảnh: AFP |
Trên Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết: “27 thành viên EU đã thông qua thỏa thuận cùng Tuyên bố chính trị về mối quan hệ trong tương lai giữa EU và Vương quốc Anh”. Theo AFP, việc Anh không còn là thành viên của EU vào ngày 29-3-2019 là “bi kịch” nhưng hy vọng hai bên vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong tương lai.
Trước giờ khai mạc hội nghị bất thường ở Brussels vào ngày 25-11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi đây là “ngày buồn”. “Chứng kiến một quốc gia như Anh rời EU không phải là niềm vui mà là thời khắc buồn và đó là bi kịch”, ông Juncker nói. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của EU, cựu Ngoại trưởng Pháp Michel Barnier khẳng định: “Chúng tôi vẫn là đồng minh, đối tác và bạn bè”.
Thỏa thuận bao gồm các vấn đề về tài chính, quyền công dân, Bắc Ireland và giai đoạn quá độ cũng như mối quan hệ tương lai về an ninh và thương mại đã trải qua các cuộc đàm phán khó khăn suốt 18 tháng qua. Thỏa thuận Brexit được các nhà lãnh đạo châu Âu thông qua đánh dấu hoàn tất giai đoạn 1 của tiến trình Anh rời EU. Nghị viện Anh sau đó xem xét thỏa thuận trong lúc nhiều nghị sĩ của xứ sở sương mù cảnh báo sẽ bỏ phiếu chống. Giai đoạn 2 có thể được hoàn tất vào cuối năm 2020 - thời điểm nước Anh kết thúc 21 tháng quá độ trong EU, hoặc kéo dài đến cuối năm 2022 theo đề xuất của Ủy ban châu Âu.
Báo chí ở London ngày 25-11 cho biết, một số thành viên nội các của Anh đang bí mật làm việc với các nhà ngoại giao EU để bàn về “kế hoạch B” trong trường hợp Nghị viện Anh bác bỏ thỏa thuận, mặc dù Thủ tướng Theresa May khẳng định những gì được thống nhất giữa nước bà và EU là tốt nhất nên sẽ không có kế hoạch thay thế.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk luôn nói rằng, ông không muốn Anh rời EU. Trước giờ khai mạc hội nghị, ông bày tỏ, không có lý do gì để hài lòng khi xảy ra Brexit, điều cần thiết trong lúc này là “giảm rủi ro và thiệt hại”. Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite cho rằng, không tốt cho bên nào khi Anh rời EU. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khi đến Brussels cũng nhấn mạnh: “Không ai chiến thắng, tất cả chúng ta đang thất bại”. Song, theo ông Rutte, thỏa thuận là sự nhượng bộ có thể chấp nhận được cho các bên.
Tại London, những người hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng May và các đồng minh Bắc Ireland cảnh báo sẽ không ủng hộ thỏa thuận khi nội dung văn bản mang tính ràng buộc về mặt pháp lý này vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết giữa Anh với EU, hay hóa đơn “ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng mà nước Anh phải trả. Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 24-11 thậm chí cho rằng, thỏa thuận Brexit là “sai lầm lịch sử”.
Đối mặt với nhiều sức ép cũng như thách thức về quyền lực, bà May đang ra sức vận động để thúc đẩy tiến trình Brexit và gọi đây là “thỏa thuận cho tương lai tươi sáng hơn”. Trong thư gửi người dân Anh, được các phương tiện truyền thông đăng tải ngày 25-11, bà May cam kết vận động bằng cả “con tim và khối óc” để Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận.
Ngay trước thềm hội nghị bất thường của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 25-11, vấn đề Gibraltar - một trở ngại lớn - đã được Anh, Tây Ban Nha và EU giải quyết, mở đường cho 27 thành viên của khối phê chuẩn thỏa thuận. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nhận được sự bảo đảm bằng văn bản từ chính phủ Anh về vấn đề lãnh thổ Gibraltar nên Madrid không còn lý do tẩy chay hội nghị thượng đỉnh lần này. “Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu tán thành Brexit”, ông Sanchez khẳng định.
Hãng AFP cho biết, chính phủ Tây Ban Nha muốn bảo lưu quyền thương lượng với Anh về tương lai của Gibraltar - vùng lãnh thổ mà hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền - trên cơ sở song phương, nghĩa là Madrid có quyền phủ quyết.
|
VĨNH AN