Thảm họa sóng thần ở Indonesia: Số người thương vong không ngừng gia tăng

.

Thảm họa sóng thần bất ngờ xảy ra sau khi một ngọn núi lửa ở Indonesia phun trào đã làm ít nhất 222 người chết, 843 người bị thương và 28 người khác mất tích.

Khu vực ven biển Carita ngổn ngang với những ngôi nhà bị hư hại và xác ô-tô 							                                   Ảnh: AFP
Khu vực ven biển Carita ngổn ngang với những ngôi nhà bị hư hại và xác ô-tô Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, thảm họa xảy ra từ 21 giờ ngày 22-12, thời điểm núi lửa Anak Krakatoa phun trào trong khoảng 24 phút, kéo theo những đợt sóng cao đánh vào bờ biển miền nam Sumatra và mũi đảo Java. Sóng thần cao khoảng 3m đột ngột tiến sâu vào đất liền khoảng 20m, cuốn đi hơn 550 ngôi nhà cùng nhiều khách sạn.

Tối 23-12, người phát ngôn Cơ quan Thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho xác nhận có ít nhất 222 người chết, hầu hết là khách du lịch; 843 người bị thương và 28 người khác mất tích. Những con số này cao hơn nhiều so với báo cáo ban đầu được đưa ra vào sáng 23-12 là 43 người chết và 165 người bị thương. Số người thiệt mạng và thương vong sẽ còn tăng do các lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận hết những khu vực bị ảnh hưởng. Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cũng cho hay, số người chết sẽ gia tăng. Những con đường bị hỏng nặng hoặc ngổn ngang với những ngôi nhà bị hư hại, ô-tô bị lật và cây cối ngã, khiến việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn.

Ban đầu, các nhà chức trách Indonesia nói rằng, đó không phải là sóng thần mà chỉ là đợt thủy triều dâng cao và kêu gọi dân chúng không nên hoảng sợ. Sau đó, ông Nugroho xin lỗi trên mạng xã hội Twitter và cho biết, do không xảy ra động đất nên khó xác định sớm được nguyên nhân của những cột sóng khổng lồ.

Theo nhận định của Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), núi lửa Anak Krakatoa phun trào gây ra sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường, dẫn tới thảm họa sóng thần.

Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Pandeglang của tỉnh Banten ở Java, bao gồm Công viên quốc gia Ujung Kulon và những bãi biển nổi tiếng phía tây nam thủ đô Jakarta. Ngoài Pandeglang, Serang và Nam Lampung đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cả ba vùng này nằm ở eo biển Sunda.

Anak Krakatoa là đảo núi lửa nhỏ thuộc vành đai lửa Thái Bình Dương. Krakatau được biết đến từ vụ phun trào vào tháng 8-1883, cướp đi sinh mạng của hơn 36.400 người, phá hủy toàn bộ 165 ngôi làng và thành phố gần đó. Krakatau sau đó ngủ yên, nhưng Anak Krakatau (nghĩa là “Con của Krakatau”) dần hình thành. BMKG cho hay, những ngày qua, Anak Krakatau có dấu hiệu hoạt động, phun những cột tro bụi hàng ngàn mét.  

Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo ra lệnh các quan chức áp dụng mọi biện pháp khẩn cấp để tìm kiếm các nạn nhân và chăm sóc những người bị thương, đồng thời làm rõ nguyên nhân sóng thần. Giới chức quốc gia Đông Nam Á này cũng cảnh báo công dân và du khách ở các khu vực ven biển xung quanh eo Sunda tránh xa các bãi biển bởi sóng thần có thể hoạt động đến ngày 25-12. Hai nước láng giềng là Malaysia và Úc khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Indonesia khắc phục thảm họa nếu cần thiết.

Theo hãng Bloomberg, sóng thần xảy ra trước kỳ nghỉ lễ, có thể tác động đến ngành du lịch của Indonesia. Tháng 9 vừa qua, hơn 2.500 người thiệt mạng khi một trận động đất mạnh tấn công vào đảo Sulawesi và gây sóng thần nhấn chìm thành phố Palu.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Indonesia để tìm hiểu thông tin và được biết tính đến sáng 23-12, chưa ghi nhận thông tin người Việt bị ảnh hưởng trong thảm họa sóng thần. Đại sứ quán Việt Nam đề nghị người Việt tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng sóng thần. Trường hợp cần sự trợ giúp khẩn cấp, liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia qua đường dây nóng: +622131907165 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân: +84981848484.

Cộng đồng người Việt định cư tại Indonesia dao động từ 70-100 người, tập trung chủ yếu ở Jakarta, Bali, Bandung, Surabaya và Batam.                            

TTXVN

VĨNH AN
 

;
;
.
.
.
.
.