Dân số thế giới tăng tạo sức ép với nguồn tài nguyên và hệ sinh thái

.

Liên hợp quốc dự báo dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050 và tăng lên 11 tỷ người vào cuối thế kỷ này, gây ra sức ép mới đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái.

Tình trạng dân số tăng nhanh có thể là quả bom nổ chậm. (Nguồn: Down To Earth)
Tình trạng dân số tăng nhanh có thể là quả bom nổ chậm. (Nguồn: Down To Earth)

Liên hợp quốc dự báo dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050 và tăng lên 11 tỷ người vào cuối thế kỷ này.

Báo cáo với tiêu đề "Đánh giá Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, và đóng góp cho việc đánh giá Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030" cho biết dân số thế giới ước đạt 7,7 tỷ người vào năm 2019 và đang tiếp tục tăng. Báo cáo cho rằng sự gia tăng liên tục của dân số toàn cầu và mong muốn gia tăng sự thịnh vượng sẽ gây ra sức ép mới đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. 

Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh rằng dân số thế giới đang nhiều hơn, già hơn, biến động hơn và tập trung về mặt không gian hơn bao giờ hết. Theo báo cáo trên, khoảng 68% dân số thế giới sẽ sống ở các khu đô thị vào năm 2050, tăng so với 56% trong năm 2019. Báo cáo cho biết sự di chuyển nơi cư trú từ nông thôn ra thành thị tạo ra nhiều lợi thế cho phát triển bền vững, song cần được quản lý tốt để tránh các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường nảy sinh từ sự gia tăng đô thị không có kế hoạch.

Báo cáo cũng cho biết từ năm 2000-2017, số người di cư từ nước này sang nước khác ước tính tăng gần 50%, đạt 258 triệu người năm 2017. 10% trong số này là người tị nạn, phải rời bỏ nhà cửa do xung đột vũ trang.

Báo cáo trên được trình Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phiên họp lần thứ 52 của Cao ủy về Dân số và phát triển của Liên hợp quốc ngày 1/4. Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 25 năm đạt bước ngoặt trong hợp tác toàn cầu, tức là việc thông qua Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cairo (Ai Cập) năm 1994./.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.