Trong lúc quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng, chưa có dấu hiệu xuống thang, nước Cộng hòa Hồi giáo này và Trung Quốc đang xích lại gần nhau.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Bắc Kinh ngày 17-5-2019. Ảnh: Reuters |
Iran công bố từ cuối tháng 7 này sẽ miễn thị thực cho du khách Trung Quốc nhằm đạt mục tiêu thu hút 2 triệu du khách của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến với nước Cộng hòa Hồi giáo này mỗi năm. Theo đó, Iran mong muốn thu hút ngoại tệ từ ngành du lịch trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ bị tác động mạnh mẽ vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh mục đích “bù đắp những khó khăn về kinh tế”, việc hủy bỏ yêu cầu thị thực đối với các công dân Trung Quốc minh chứng Iran đang xích lại gần cường quốc châu Á.
Iran vẫn đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - hệ lụy từ những lệnh trừng phạt liên tục và ngày một nặng nề hơn của chính phủ Mỹ kể từ sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Chính phủ Mỹ đương nhiệm muốn gia tăng sức ép với Iran thông qua các lệnh trừng phạt, gây sức ép buộc Tehran phải đàm phán lại một thỏa thuận hạt nhân khác nghiêm ngặt hơn, thậm chí không loại trừ mong muốn thay đổi chế độ ở quốc gia Trung Đông này. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: Iran có vị thế địa chính trị quan trọng khi nằm ở khu vực giao thoa trọng yếu của Trung Đông, Trung Á và Nam Á.
Iran cũng thừa hiểu họ đang nắm trong tay những lợi thế gì để “đấu” với Mỹ nên vẫn quyết liệt bày tỏ lập trường về những yêu sách của Washington. Mới đây, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố sẵn sàng tham vấn với Washington nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Về việc Iran bắt đầu làm giàu uranium vượt mức 3,67%, ông Zarif nói rằng, Tehran không mong muốn chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng “hoàn toàn có thể làm điều này từ lâu nếu muốn”.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc - một trong những đối tác tham gia JCPOA, theo nhận định của giới quan sát, chính sách trừng phạt và gây sức ép của Mỹ nhằm vào Iran vô tình giúp Bắc Kinh hưởng lợi. Trung Quốc vẫn luôn coi Iran như “phần thưởng kinh tế” mà nhờ những o ép hiện tại của Mỹ với Tehran mà Bắc Kinh nhận “phần thưởng” đó dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi JCPOA, hàng loạt công ty châu Âu cũng rục rịch tìm đường rời Iran, khoảng trống họ bỏ lại trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng đang là đích nhắm tới của giới đầu tư Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Iran vì tiếp tục mua bán dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chắc chắc tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với kinh tế của Iran sẽ dần tăng lên. Đến một thời điểm không xa, Trung Quốc sẽ là nhân tố thúc đẩy, giúp kinh tế Iran đủ mạnh để đương đầu với sức ép từ Mỹ.
Bên cạnh đó, cũng phải kể tới một động thái khác của Mỹ với Ấn Độ cũng gián tiếp làm lợi cho Trung Quốc, đó là trong tháng 4 vừa qua, Washington tuyên bố New Delhi không được hưởng quyền miễn trừ lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran nữa. Điều này có nghĩa Ấn Độ không thể mua dầu mỏ của Iran. New Delhi cũng phải rút các khoản đầu tư vào cảng Chabahar của Iran trên vịnh Oman.
Tại châu Á, từ lâu Ấn Độ mặc định được xem như một đối trọng với Trung Quốc nhờ dân số lớn, tiềm năng kinh tế, vị thế nổi bật tại Ấn Độ Dương và có các tuyến đường biển liên kết trải dài từ eo biển Malacca ở phía đông tới khu vực Sừng châu Phi ở phía tây. Việc Mỹ gây khó dễ cho Ấn Độ trong mối quan hệ với Iran vô hình trung giúp “con hổ” Trung Quốc có thêm “nanh vuốt” trong khu vực. Khi người Ấn phải rút khỏi cảng Chabahar, thành phố cảng Gwadar sẽ trở thành lộ trình tiếp cận duy nhất cho hoạt động giao thương trên biển Arab và Ấn Độ Dương với Afghanistan và khu vực Trung Á.
Thực tế, Trung Quốc cũng đã phát triển một cơ sở hải quân tại Pakistan nằm giữa hai cảng biển nói trên. Không lâu nữa các tàu hải quân của Trung Quốc sẽ gia nhập cùng các hạm đội tàu chở dầu và tàu chở hàng để trở thành những “khách ghé thăm thường xuyên” vịnh Oman và biển Arab. Bởi thế, về lâu về dài, chính Trung Quốc (chứ không phải Iran) mới là thách thức lớn nhất với Mỹ tại châu Á cũng như toàn cầu.
TRẦN ĐẮC LUÂN