Nhật Bản công bố Sách Trắng Kinh tế và Thương mại quốc tế 2019

.

Theo Sách Trắng, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang gia tăng, các quốc gia và khu vực đang thiết lập các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đầy phức tạp.

(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vừa công bố Sách Trắng Kinh tế và Thương mại quốc tế năm 2019, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một trật tự quốc tế mới trong hoạt động thương mại trong bối cảnh quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

Theo Sách Trắng, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang gia tăng, các quốc gia và khu vực đang thiết lập các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đầy phức tạp.

Vì vậy, hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc được dẫn dắt bởi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đóng vai trò quan trọng cho việc thúc đẩy và mở rộng thương mại tự do và bình đẳng.

Sách Trắng nhấn mạnh trong thời gian gần đây, sự tồn tại của hệ thống thương mại đa phương này đang bị đe dọa, không chỉ do những bất mãn, quan ngại về khả năng hệ thống này có thể không hoạt động bình thường, mà còn do những lo ngại về sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ.

Trong bối cảnh đó, Sách Trắng kêu gọi thiết lập một trật tự quốc tế mới với sự hợp tác quốc tế. Sách Trắng nhận định để đạt được tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định và bền vững thông qua việc mang lại các lợi ích của sự thịnh vượng, tăng trưởng toàn cầu và tạo việc làm cho các nền kinh tế trên khắp thế giới, việc thiết lập một trật tự quốc tế mới với sự hợp tác quốc tế là một thách thức cấp bách.

Liên quan tới quan hệ ngoại thương của Nhật Bản, Sách Trắng cho biết năm 2018, thương mại hàng hóa của nước này vẫn tiếp tục phát triển ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (9,7%) cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (4,1%), chủ yếu do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng. Kết quả là Nhật Bản đã bị thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Trong khi đó, xuất khẩu tăng thấp là do thị trường thiết bị bán dẫn bước vào chu kỳ suy giảm và do nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc dẫn đến xuất khẩu máy móc nói chung bị giảm trong quý 2-2018.

Các số liệu thống kê liên quan tới giá trị gia tăng cho thấy Mỹ là điểm đến hàng đầu cho hoạt động xuất khẩu giá trị gia tăng của Nhật Bản.

Cũng theo Sách Trắng, châu Á chiếm tới 70% về tỷ trọng hoạt động ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản.

Tuy nhiên, do tỷ trọng bán lẻ thương mại và dịch vụ vẫn còn thấp nên dư địa cho sự tăng trưởng trong lĩnh vực này vẫn còn.

Về đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp, góp phần làm tăng số lượng việc làm và kim ngạch xuất khẩu của khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngược lại, ASEAN đang đóng góp cho Nhật Bản thông qua việc mở rộng thị trường tiêu dùng và hợp tác trong các dự án phát triển hạ tầng. Sách Trắng nhấn mạnh việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ với ASEAN sẽ trở nên quan trọng hơn trong tương lai trên các thị trường sản xuất và tiêu thụ toàn cầu.

Ngoài ra, Sách Trắng cũng đề cập tới tình hình kinh tế toàn cầu, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và các chính sách thương mại của Nhật Bản.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.