Thánh địa Jerusalem đang ngày một phải đối mặt với khủng hoảng chôn cất - kết quả từ tình trạng dân số và mật độ ngày càng tăng cũng như nhu cầu chôn cất cao tại thành phố linh thiêng nhất của Do Thái giáo.
Ý tưởng xây dựng thành phố ngầm xuất phát từ nhu cầu chôn cất gia tăng và mật độ dân số cao. Ảnh: REX |
Đài Spuntik dẫn bài viết đăng trên tạp chí The Times of Israel đưa tin một thành phố khổng lồ dành cho “người đã khuất” sẽ sớm được mở cửa dưới Jerusalem, với mạng lưới đường hầm được đào sâu xuống dưới mặt đất dự kiến chứa 20.000 thi hài.
Thành phố mới của Jerusalem với lối vào bắt đầu từ bên sườn núi ngay dưới nghĩa trang Har HaMenuchot được coi là một giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu không gian chôn cất trầm trọng.
Cổng vào "thành phố" được xây dựng bên sườn núi, phía dưới nghĩa trang Har HaMenuchot. Ảnh: REX |
Mô hình này dự kiến chứa được 22.000 thi hài. Ảnh: REX |
Dự án xây dựng thành phố ngầm cho người đã khuất là ý tưởng của của chính quyền địa phương hợp tác với một công ty tư nhân có tên gọi Rolzur. Chi phí ước tính để triển khai dự án này rơi vào khoảng 300 triệu shekel (88 triệu USD).
Khoản tiền hỗ trợ chi phí xây dựng một phần được gây quỹ qua hình thức bán trước vị trí chôn cất, chủ yếu là cho người Do Thái ở nước ngoài. Người Israel được an táng miễn phí tại đây.
Theo tục lệ xưa, việc chôn cất thi hài dưới thành phố ngầm giống như cách thức an táng phổ biến từ hàng thế kỷ trước. Chủ đầu tư dự án Arik Glazer cho biết “sáng kiến xây dựng thành phố ngầm xuất hiện từ cách đây 1.600 đến 2.000 năm. Chúng tôi chỉ khôi phục lại truyền thống vì không còn nhiều chỗ trống cho người chết trên mặt đất”.
Hananya Shahor - Giám đốc điều hành phụ trách nghĩa trang trong thành phố - cho biết: “Chúng tôi suy nghĩ về tính lâu dài của thành phố này. Vật liệu xây dựng cực kỳ đơn giản”.
Cận cảnh một trong những ô chôn cất thi hài. Ảnh: REX |
Kiến trúc sư Zafrir Ganani thuộc công ty Peleg Architects phụ trách thiết kế cho dự án miêu tả cấu trúc của thành phố ngầm này giống “một phần đường phố Manhattan”. “Đây thực sự là một thành phố ngầm. Trục trung tâm được thiết kế với mục đích thông gió tạo hình ảnh gần giống như một tháp chôn cất”, anh Zafrir chia sẻ.
Ngay trên thành phố của người chết là nghĩa trang Har HaMenuchot, nghĩa trang lớn nhất của Israel được xây dựng từ năm 1951. Hiện đang có hơn 150.000 người được chôn tại nghĩa trang Har HaMenuchot.
Theo Báo Tin tức